Môi trường

Tuyên Quang: Bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Doãn Xuân 25/09/2023 - 15:41

Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu được thực thi. Để những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh Tuyên Quang mà ở đây là Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đông thời qua đó giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có phỏng vấn ông Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang.

PV: Có thể khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều đột phá, để luật thật sự đi vào cuộc sống, nhất là cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Sở đã chuẩn bị nhân lực để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền như thế nào thưa ông?

Ông Đặng Minh Tơn: Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Để Luật đi vào cuộc sống, nhất là cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Sở đã xác định công tác tuyên truyền là then chốt và là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Qua công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thay đổi từ nhận thức đến hành động nhằm giảm thiểu phát thải, ưu tiên tái sử dụng, tái chế chất thải bảo vệ môi trường sống.

anh-1-pgd-ton-tq.jpg
Ông Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang

Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ động phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn tự xử lý rác thải tại chỗ, nâng cao nhận thức chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học được tăng cường thực hiện thông qua các sự kiện môi trường như: Ngày môi trường thế giới; Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Đa dạng sinh học và Ngày nước thế giới hằng năm.

Chỉ tính riêng đầu năm 2023 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại xã Văn phú, huyện Sơn Dương, với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. Đồng thời, phát động phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Tại buổi lễ, Sở đã trao 20 thùng rác di động, 60 cây cau trồng trên tuyến đường hoa, trao tặng làn đi chợ… ngoài ra, còn chủ động hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác thải nhựa, phát 2.000 túi thân thiện với môi trường và 2.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường tới tay người dân.

Ngày 8/9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-STNMT về tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu quy định về bảo vệ môi trường với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường - Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”. Dự kiến, ngày 24/9/2023, tỉnh Tuyên Quang sẽ đồng loạt ra quân tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023.

PV: Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc thiểu số chung sống, Sở đã có những sáng kiến gì trong công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường để người dân hiểu và thực hiện, thưa ông?

Ông Đặng Minh Tơn: Là một tỉnh miền núi có 22 dân tộc sinh sống, để công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là các dân tộc vùng xâu, vùng xa. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc và sát với đối tượng tuyên truyền.

Chủ động, sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung thông tin được cập nhật, lồng ghép với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường và các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của điạ phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

anh-2-tq.jpg
Các đoàn thể tỉnh Tuyên Quang ra quân dọn rác hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn

Chủ động chia sẻ, biểu dương và nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường gắn với việc tuyên truyền, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là chỉ cho họ thấy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống an lành của họ và cho nhiều đời con cháu họ; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường cuộc sống mới ấm non, bền vững

PV:: Sau một thời gian đưa Luật vào cuộc sống, Luật bảo vệ môi trường đã đem lại cho tỉnh những kết quả gì hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, thưa ông?

Ông Đặng Minh Tơn: Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi thành đã hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong đó đặt ra các mục tiêu và quan điểm rõ ràng như: Các yêu cầu bảo vệ môi trường phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường…

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 4/5/2022 về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”; Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 về Quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, Sở đã ban hành Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, chất lượng môi trường của tỉnh được cải thiện về nhiều mặt như: Diện tích cây xanh, vệ sinh môi trường đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị, các vùng nông thôn, cơ sở y tế, rừng và đa dạng sinh học được thay đổi rõ rệt.

PV: Vậy xin ông cho biết, việc thực thi pháp luật Bảo vệ môi trường đã và đang đóng góp như thế nào vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua?

Ông Đặng Minh Tơn: Thực hiện Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTQ-STNMT ngày 31/3/2021 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường về “thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 – 2025”. Triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Sở và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; vận động xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ môi trường gắn với các nội dung như về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... trong đó chọn triển khai xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường”.

Tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai tới toàn thể nhân dân về nội dung, mục đích thực hiện mô hình, tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện xóa đói giảm nghèo hài hòa với bảo vệ môi trường; thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường nhằm kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường… tuyên truyền, vận động thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán tạo nguồn quỹ để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...

anh-3-trong-rung-bao-ve-mt.jpg
Mô hình trồng rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu kết hợp mục tiêu giảm nghèo bền vững đang được nhân rộng tại Tuyên Quang

Việc triển khai thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường” mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đều qua các năm, nếu như năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo đầu năm ở mức 23,4% thì cuối năm giảm xuống còn 18,9% (giảm 4,5%, vượt kế hoạch đề ra), thì năm 2023 tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,9% xuống còn 15,4%. Tuyên Quang đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO