Tuy Phong (Bình Thuận): Hàng chục hộ dân kêu cứu vì đất bị lấy cho một cá nhân khác thuê

06/07/2018 15:32

(TN&MT) - Hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) sử dụng đất đai ổn định, không tranh chấp và họ đã đầu tư tiền tỷ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, vào cuối tháng 5/2018, chính quyền địa phương xã Vĩnh Hảo mời họ lên và thông báo rằng khu vực đất này UBND huyện Tuy Phong đã cho một cá nhân khác thuê để “trồng cỏ, bắp để chăn nuôi bò”. Việc làm này khiến người dân bức xúc, kêu cứu khắp nơi.

H1
Người dân bức xúc trình bày vụ việc

Bỗng dưng mất đất

Theo trình bày của người dân thì kể từ năm 2008, các hộ dân này đã nhận chuyển nhượng, khai hoang với tổng diện tích lên đến hàng chục héc-ta đất thuộc khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo để trồng các loại cây trái như: trôm lấy mủ, mãng cầu, xoài, thanh long, dưa hấu, đậu phộng… nhằm tạo lập kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Trong thời gian đầu tư, cải tạo, chăm sóc cây trồng, người dân nơi đây chưa nghe công khai phần đất của mình nằm trong vùng dự án. Và bà con cũng chưa một lần được tiếp cận với đoàn khảo sát hay bất kỳ buổi làm việc công khai nào với chính quyền địa phương liên quan đến phần đất của mình đang sử dụng.

Ngày 30/5/2018, UBND xã Vĩnh Hảo bỗng dưng tổ chức họp thông báo với các hộ dân rằng khu vực đất này đã được UBND huyện Tuy Phong giao cho cá nhân ông Nguyễn Hoàng Anh (thường trú tại Quận 1, TP.HCM) thuê với thời hạn 50 năm để “trồng cỏ, bắp để chăn nuôi bò”. Và phần tổng diện tích gần 42ha người dân đang sử dụng, UBND huyện Tuy Phong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số CE 633603 và CE 633604 vào ngày 19/5/2017 cho ông Nguyễn Hoàng Anh.

Tại buổi làm việc này, một số hộ dân đề nghị Nhà nước nên xem xét lại quy trình, thủ tục liên quan đến việc cho chủ trương đầu tư dự án, nhất là việc thu hồi đất của các hộ dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, có vài hộ yêu cầu nếu thu hồi đất của dân giao cho dự án thì phải hỗ trợ 130 triệu đồng/ha cho chi phí đầu tư, tài sản, cây trồng trên đất, tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Anh chỉ đưa ra mức giá hỗ trợ chung là 30 triệu đồng/ha.

Đến ngày 22/6/2018, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo ban hành văn bản hướng dẫn ông Nguyễn Hoàng Anh gửi đơn khởi kiện các hộ dân đến Tòa án huyện Tuy Phong, do không hộ dân nào liên hệ với UBND xã lập danh sách gửi cho ông Hoàng Anh để được thỏa thuận, giải quyết.

H3
Người dân bên hàng trôm nhiều năm tuổi

Dân bức xúc

Vào những ngày cuối tháng 6/2018, Phóng viên Báo TN&MT đã vượt qua hơn 300km để đến làng quê xã Vĩnh Hảo tìm hiểu thông tin theo đơn thư kêu cứu của người dân. Vùng đất “nắng và gió” mùa này như thiêu, như đốt cháy cả da người. Thế nhưng, trên cánh đồng Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo người dân vẫn tất bật với công việc đồng áng, chăm sóc cây trồng. Nhìn công trình với hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước tưới tiêu; những rừng cây xoài, cây trôm, và nhiều loại cây trái khác xanh tốt cao hơn cả đầu người, chúng tôi cảm nhận được công sức và vật chất của người dân nơi đây đã đầu tư cho khu vực đất này là vô cùng lớn.

Ông Phương Gia Lưu (sinh năm 1965) cho biết, năm 2010 gia đình ông mua lại đất sản xuất nông nghiệp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Long và bà Lương Thị Sơn diện tích 50.000 m2 với số tiền 300 triệu đồng. Khu vực đất này ông Lưu trồng 400 cây trôm lấy mủ đến nay đã hơn 5 năm tuổi và nhiều loại cây lâu năm khác. Ông Lưu cho rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay, ông và nhiều hộ dân khác phải đầu tư tiền tỷ để lắp đặt hệ thống bơm nước, máy móc và trang thiết bị khác để làm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Lương Thị Sơn (57 tuổi) khẳng định, từ nhỏ bà đã cất nhà chồi nơi đây để ở và chăn nuôi dê. Vào năm 2008, bà Sơn khai khẩn thửa đất hoang này để trồng cây ăn trái hàng năm và một số hoa màu như đậu phọng, dưa hấu… Từ năm 2010 - 2012, bà Sơn sang nhượng thành quả lao động lại một phần đất cho ông Lưu, một phần giao cho người họ hàng là Lương Văn Lăng cùng một số hộ dân khác canh tác. Bà Sơn quả quyết đất đai được gia đình bà khai hoang phục hóa kể từ thời gian đó, bà và mọi người canh tác ổn định, không có bất kỳ trường hợp tranh chấp nào xảy ra.

Làm việc với Phóng viên, nhiều người dân tỏ ra khá nhiều bức xúc. Bởi theo bà con, trong số hàng chục hộ này có nhiều hộ khó khăn, nghèo khó, họ đã đầu tư công sức, tiền của để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, Nhà nước lại đột nhiên lấy giao cho một cá nhân khác thuê thời gian dài cũng chỉ để trồng cỏ, chăn nuôi. Nhiều người so sánh, giữa hai mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân mang tính ổn định và bền vững hơn so với dự án chăn nuôi, bởi toàn khu vực này bị ảnh hưởng hơn 20 hộ dân với gần 100 nhân khẩu, và người dân đã đầu tư sản xuất có thành quả, giải quyết công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho nhiều người dân địa phương.

H2
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo Trần Ngọc Thuận trao đổi với Phóng viên

Nhiều bất cập cần làm rõ

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngày 12/5/2017, Trưởng phòng TN&MT huyện Tuy Phong lập Tờ trình số 299/TTr-TNMT về việc “đề nghị cho ông Nguyễn Hoàng Anh thuê đất trồng cỏ, bắp để chăn nuôi bò tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong”.

Đúng một tuần sau, ngày 19/5/2017, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong ban hành Quyết định số 2030/QĐ-UBND chấp thuận cho ông Nguyễn Hoàng Anh thuê đất diện tích 417.634 m2 tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo; mục đích sử dụng đất: Đất nông nghiệp khác; thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Tại quyết định này, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong giao cho Phòng TN&MT phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan, trong đó có việc ký hợp đồng thuê đất. Quyết định là thế, nhưng cũng trong ngày 19/5/2017 UBND huyện Tuy Phong cấp luôn Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Hoàng Anh.

Đến ngày 24/7/2017, tức là sau hơn 2 tháng từ khi được cấp QSDĐ thì hợp đồng thuê đất mới được lập. Theo hợp đồng, giá đất tính tiền thuê đất là 55 đồng/m2, nộp tiền thuê đất hàng năm. Như vậy qua nhẫm tính, mỗi năm Nhà nước chỉ thu được 550.000 đồng/ha tiền cho thuê. Với tổng diện tích gần 42ha giao cho cá nhân ông Nguyễn Hoàng Anh làm dự án chăn nuôi, thì số tiền cho thuê đất được nộp ngân sách Nhà nước chưa đầy 23 triệu đồng/năm.

Đối chiếu với Quy định về Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019, ban hành kèm theo Quyết định 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận, thì nhóm đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, chính quyền địa phương huyện Tuy Phong cho ông Nguyễn Hoàng Anh thuê với giá 55 đồng/m2 liệu có làm thất thoát tiền của nhà nước và có đảm bảo đúng quy trình hay không?

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Quang - Phó phòng Phụ trách Phòng TN&MT huyện Tuy Phong cho biết, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu ban hành song song nhau về thời gian với quyết định cho thuê (!?). Ông Nguyễn Quang cũng cho rằng đây là dự án nằm trên đất nông nghiệp, không phải là đất kinh doanh thương mại, dịch vụ nên không xin ý kiến cấp tỉnh mà chỉ lấy ý kiến ở phạm vi cấp huyện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo Trần Ngọc Thuận thông tin: Từ tháng 7/2015 khi tuyến kênh tiếp nước cho Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thông tuyến thì tại khu vực Láng Lớn xuất hiện tình trạng chiếm đất nông nghiệp để làm rẫy. Đến giữa tháng 8/2016 các ngành chức năng địa phương kiểm tra đã phát hiện có 6 trường hợp đưa máy cày, máy ủi vào chiếm đất và trồng cây. Qua đó UBND xã Vĩnh Hảo có mời làm việc và lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính về đất đai. Tuy nhiên, ông Thuận lại cho rằng các với các trường hợp đã xử lý này không phải là những hộ đang sử dụng và khiếu nại hiện tại bây giờ.

Chúng tôi đặt vấn đề: “Giữa năm 2016 mới phát hiện và xử lý vi phạm, nhưng tại sao bây giờ có quá nhiều cây trồng như là trôm, xoài cao hơn cả đầu người. Và người dân cho biết đã trồng được 4 - 5 năm tuổi?” Chủ tịch Trần Ngọc Thuận viện dẫn rằng người dân lén lút làm vào buổi chiều tối và lúc mờ sáng để “bứng” cây lớn từ nơi khác đem vào trồng sau này, cần thiết liên hệ với đơn vị chuyên môn để giám định tuổi thọ của cây cho chính xác.

Nội dung này ngay lập tức bị người dân bác bỏ. Bởi họ cho rằng, với vùng đất khô cằn sỏi đá như khu vực ven đồi núi xã Vĩnh Hảo thì cây đã trưởng thành khó mà đem từ nơi khác vào trồng sống. Hơn nữa, nếu có vận chuyển vài ba cây thì còn trốn tránh, lén lút qua mặt được chính quyền địa phương, nhưng ở đây với số lượng hàng ngàn cây như thế thì vận chuyển bằng cách nào, trồng ra sao trong khi đường xá đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong những ngày đi thực tế tại nơi đây, chúng tôi được biết khu vực đất do bà con đang sản xuất nằm dọc theo tuyến kênh tiếp nước từ sông Lòng Sông về hồ Đá Bạc. Nơi đây cũng là đầu nguồn đưa nước ngọt về hồ Đá Bạc để phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Bởi thế, khi biết được chính quyền địa phương quyết định giao khu vực đất này cho ông Nguyễn Hoàng Anh thuê để làm dự án chăn nuôi với quy mô lớn thì người dân tỏ ra lo lắng: “Tới đây, nếu Nhà nước cương quyết giao cho dự án thì nguồn nước ngọt này liệu có còn đảm bảo vệ sinh môi trường để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh nữa hay không?”

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận điều mong mỏi của người dân vùng quê xã Vĩnh Hảo này là các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cần xem xét lại cho thấu tình đạt lý. Mong muốn lớn nhất của họ là được Nhà nước giao cho quyền sử dụng hợp pháp để họ tiếp tục ổn định cuộc sống kinh tế gia đình. Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương cần nên tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế; đồng thời gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình. Tránh việc làm nóng vội, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vụ việc nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Phong (Bình Thuận): Hàng chục hộ dân kêu cứu vì đất bị lấy cho một cá nhân khác thuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO