Túi thân thiện môi trường: Loay hoay tìm chỗ đứng!

17/12/2013 00:00

“Ô nhiễm trắng” là cách mà các chuyên gia môi trường đang nói về sự lạm dụng túi nilông hiện nay.

(TN&MT) - “Ô nhiễm trắng” là cách mà các chuyên gia môi trường đang nói về sự lạm dụng túi nilông hiện nay. Với người dân, “thảm hoạ” môi trường từ túi nilông (nilon) không phải chuyện bây giờ mới biết nhưng họ vẫn “vô tư” sử dụng, trong khi đó, từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý đã tốn không ít tiền của cho các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi thay đổi thói quen sử dụng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.
   
Biết độc nhưng nhắm mắt bỏ qua!
   
  Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm (2009 - 2013) thực hiện Chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” trên địa bàn TP. Hà Nội mới đây, theo Sở TN&MT mặc dù đại bộ phận đối tượng tuyên truyền năm qua đã có nhận thức rõ về tác hại của túi nilon nhưng qua khảo sát cho thấy còn 3% trong tổng số 5.000 người được hỏi hoàn toàn không biết về tác hại của túi nilon; 100% số người được hỏi vẫn sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày.
   
  Ở Việt Nam, người dân mới sử dụng túi ni lông khoảng vài ba chục năm nay, nhưng loại rác này đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề, hủy hoại đất và nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.
   
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người sử dụng túi thân thiện môi trường
    
   
  Theo phân tích của Viện Công nghệ hóa học, túi ni lông được làm từ nhựa PTE không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi ni lông mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng bắt đầu từ 70-80 độ C thì những chất phụ sẽ có phản ứng phụ và khó mà biết được nó độc hại đến đâu. Hàng ngày, chúng ta cũng ít biết đến thông tin: Những túi ni lông nhuộm màu xanh đỏ đầy rẫy ngoài chợ nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm do chứa các kim loại như chì, cadimi (những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư). Nếu xử lý túi ni lông bằng phương pháp đốt cũng không ổn vì túi ni lông chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và khí dioxin cực độc.
   
Chưa mặn mà với túi thân thiện
   
  Ở Việt Nam trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cộng đồng đã và đang rất quan tâm tới vấn đề chất thải túi nilon với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như: các chiến dịch truyền thông “nói không với túi nilon”, “ngày không túi nilon”... nhằm định hướng một số giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải là các loại bao bì túi nilon khó phân hủy, sự cần thiết của việc sản xuất và sử dụng các loại túi nilon thân thiện với môi trường…. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng khi đi mua sắm, đi chợ đều dùng túi độc hại này để đựng thực phẩm, hàng hóa.
   
  Trong khi đó, một số siêu thị lớn đã đưa vào sử dụng túi thân thiện với môi trường như: Big C, Metro… Tuy nhiên, các loại túi này khách hàng đều phải mua để đựng đồ thay vì được miễn phí nên lượng tiêu thụ khá thấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã có thói quen không mang túi khi đi siêu thị, đi chợ mua sắm nên túi này sau khi mua về không được tái sử dụng, rất lãng phí. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là giá thành loại túi này cao.
   
  Có thể thấy trước mắt tác hại của việc sử dụng túi nilon và các vật dụng khác từ sản phẩm nilon đối với đời sống và sức khỏe con người là rất lớn, cả hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc loại bỏ sử dụng túi nilon, các vật dụng nilon chưa thể giải quyết một sớm, một chiều.
   
  Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
   
  Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Đề án là tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
   
  Các chuyên gia cho rằng, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, đòi hỏi phải có một chiến lược, chính sách hợp lý. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người trong việc hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách tái sử dụng nhiều lần túi nilon.
   
  Khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, giá rẻ… Bên cạnh đó, cần có chiến lược bảo vệ môi trường lâu dài, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, tăng thuế đối với những cơ sở sản xuất túi nilon; nghiêm cấm và xử phạt thật nghiêm đối với các trường hợp vứt rác thải nilon bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Túi thân thiện môi trường: Loay hoay tìm chỗ đứng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO