Tủa Chùa - Điện Biên: Cần mạnh tay chặn đứng việc khai thác đá trái phép

10/05/2016 00:00

(TN&MT) –  Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, ngày 24/4, “Tủa Chùa - Điện Biên: Ai "chống lưng" cho việc khai thác đá trái phép?” và câu hỏi đặt ra: Có hay không việc chính quyền tiếp tay cho việc khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm, tại km số 9, đường liên xã Mường Báng – Xã Nhè, thuộc thôn Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Điểm mỏ khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động
Điểm mỏ khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động

Tận thu hay khai thác trái phép?

Được biết, năm 2009, Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên, gửi đơn xin thuê đất để sử dụng vào mục đích khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngày 6/8/2009, UBND tỉnh Điện Biên ra quyết định số 1345/QĐ-UBND Quyết định về việc cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa với thời hạn khai thác là 3 năm, đến hết tháng 8/2012. Sau đó, doanh nghiệp xin gia hạn khai thác đến hết năm 2013 và làm thủ tục xin cấp phép khai thác đá. Ngày 1/2/2016, UBND tỉnh Điện Biên, ban hành giấy phép số: 04/GP-UBND cho phép Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên được tiếp tục khai thác đá tại địa điểm mỏ nêu trên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài chờ cấp phép, bà Bùi Thị Tấm vẫn tiếp tục cho khai thác dưới hình thức là thu gom đá trên nương của các hộ gia đình.

Theo kết luận của Tổ kiểm tra liên ngành ngày 20/4 do Sở TN&MT chủ trì thì có thể khẳng định: Việc làm của bà Bùi Thị Tấm là hoạt động khái thác, chế biến đá trái phép. Trên thực tế, hiện trạng tại khu vực khai thác của bà Bùi Thị Tấm vẫn còn 1 giàn nghiền đá ngang nhiên đặt ngay lề đường, bãi tập kết còn khối lượng đá hộc đã khai thác ước khoảng 2.000m3, khu vực đối diện với khối lượng đá hộc ước khoảng 800m3, khối lượng đá mạt đã chế biến khoảng 500m3. Với trữ lượng lớn như vậy, thử hỏi bằng sức thu gom của người dân sẽ mất bao nhiêu thời gian? Đá ở trên nương đâu dễ dàng để thu gom nhiều đến như vậy? Chưa kể đến khối lượng đá đã được bán hay chuyển đi xây dựng các công trình trong khoảng thời gian đó.

Một bằng chứng nữa cho thấy, tại bãi khai thác có nhiều lỗ khoan và có 3 vỏ bao bì hóa chất nhãn hiệu SINO CRACK loại 20kg/hộp do Trung Quốc sản xuất; đây là bột nở tách đá không gây ra tiếng nổ, khi trộn với lượng nước vừa đủ và đổ vào các lỗ khoan sẽ đông cứng lại, trương nở và tạo ra áp lực làm nứt các khối đá dễ dàng cho việc khai thác. Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 2 năm 2016 (thời điểm Công ty TNHH Trường thọ Điện Biên chờ cấp giấy phép khai thác) hoạt động khai thác đá của bà Bùi Thị Tấm không đơn thuần chỉ là thu gom mà đã là khai thác đá trái phép khi chưa có giấy phép khai thác của cấp có thẩm quyền.

Ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Phụ trách Ban quản lý dự án( Ban QLDA), huyện Tủa Chùa, cho biết: Hiện, Ban QLDA quản lý 1 công trình đang thi công, 2 công trình chuẩn bị bàn giao và 8 công trình chuẩn bị đầu tư. Số lượng công trình do Ban QLDA huyện Tủa Chùa quản lý là rất ít so với số lượng công trình hiện đang thi công trên toàn địa bàn huyện. Song khối lượng cát, đá xây dựng phục vụ các công trình của Ban quản lý được lấy báo giá tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Ông Đạo cũng cho biết thêm: Lượng cát, đá này được doanh nghiệp thu mua lại của các hộ dân sống tại địa bàn huyện Tủa Chùa và của xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo.

Khối lượng cát, đá phục vụ cho các công trình không phải ít. Nếu các doanh nghiệp căn cứ vào khối lượng cát, đá người dân bòn đãi, tận thu thì rất khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu của công trình. Mặt khác, thu mua dưới dạng manh mún, nhỏ lẻ thì các công trình không xuất toán được hóa đơn; không hiểu, Ban QLDA Tủa Chùa sẽ căn cứ vào đâu để làm khối lượng quyết toán công trình? Và đây là nguyên nhân chính tiếp tay cho việc khai thác cát, đá trái phép diễn ra trên địa bàn từ nhiều năm qua làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước. 

Chính quyền buông lỏng... Vì đâu?

Anh Lờ A Dờ, thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, (là một trong 3 hộ đã cho thuê và chuyển nhượng đất nương, đất rừng phòng hộ cho bà Bùi Thị Tấm), bức xúc: "Năm 2009, gia đình tôi có cho Doanh nghiệp XDTN Trường Thọ thuê khu đất gần bãi đá với diện tích khoảng 500m2, trong thời gian 5 năm, với số tiền là 15 triệu đồng. Năm 2014 DN Trường Thọ hết hạn thuê đất, nhưng không hiểu sao bà Bùi Thị Tấm vẫn tiếp tục sử dụng khu đất đó để phục vụ khai thác đá, không những thế còn lấn chiếm sang khu đất bên cạnh diện tích cũng khoảng 500m2. Tôi có phản ánh lên UBND xã Xá Nhè thì nhận được câu trả lời: toàn bộ khu đất trên đã được chuyển nhượng cho bà Bùi Thị Tấm, trong khi diện tích đất đó có một phần là đất của tôi mà tôi lại không hề hay biết. Tuy khu đất của tôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng gia đình tôi đã sử dụng và trồng màu từ rất lâu. Giờ không biết tại sao lại trở thành đất của bà Bùi Thị Tấm. – Anh Dờ bức xúc."

Anh Dờ cho biết thêm: Ngày 21/4/2016 bà Tấm có đến nhà và đưa cho anh số tiền là 2 triệu đồng với điều kiện là anh Dờ phải ngăn cản không cho công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên dựng lán trên khu đất của anh. Nhưng anh Dờ không đồng ý. Thực tế, khu đất đó giờ đã được chuyển sang tên bà Bùi Thị Tấm. Trước những vi phạm của bà Bùi Thị Tấm, dư luận sẽ không khỏi hoài nghi và đặt ra nhiều giả thiết: Đó có phải là sự buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt đất rừng phòng hộ? Hay chính quyền đã “chống lưng” cho bà Tấm sau những sai phạm này?

Trả lời chúng tôi, ông Giàng A Páo, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, cho biết: "UBND xã Xá Nhè hoàn toàn không biết việc khai thác đá trái phép của bà Bùi Thị Tấm, vì họ không thông báo cho xã..."

Theo nhận định của ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Tủa Chùa thì việc mua, bán, chuyển nhượng đất phải được thực hiện trên hợp đồng. Hợp đồng đó phải được chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn, sau đó phải đăng kí với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét hợp đồng đó có đúng với quy định của pháp luật hay không để đăng kí vào danh bạ địa chính. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc quản lý đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng cho bà Bùi Thị Tấm, sau đó một thời gian dài mới đến xin xác nhận chuyển nhượng của UBND xã Xá Nhè là không đúng với quy định của luật pháp.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết: Tôi về nhận nhiệm vụ chưa đầy 5 tháng, Tủa Chùa là một huyện nghèo nên có rất nhiều việc phải làm. Trong đó có cả mỏ đá khai thác trái phép... Còn việc chính quyền và cán bộ địa chính xã Xá Nhè xác nhận việc chuyển nhượng đất nương, đất rừng phòng hộ và không báo cáo lên huyện đã cho thấy sự hạn chế trong năng lực quản lý cấp xã. Vấn đề này huyện đã giao cho Phòng TN&MT tham mưu cho UBND huyện, thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra việc quản lý đất đai trên địa bàn xã. Từ đó huyện sẽ có những biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Còn về mỏ đá khai thác trái phép, ngày 9/3/2016, UBND huyện Tủa Chùa đã thành lập các tổ thanh tra kiểm tra việc quản lý tài nguyên trên địa bàn và ban hành Quyết định số: 454/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, khai thac, kinh doanh, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Tủa Chùa.

Riêng đối với trường hợp bà Bùi Thị Tấm, huyện đã yêu cầu bà Tấm ngừng mọi hoạt động khai thác, chế biến đá, đồng thời gửi hồ sơ cho UBND xã Xá Nhè xem xét xử lý theo thẩm quyền. Tiếp đó, ngày 12/4/2016, sau khi kiểm tra phát hiện bà Tấm mặc dù đã ngừng khai thác, nhưng vẫn thực hiện hoạt động chế biến đá, UBND huyện Tủa Chùa tiếp tục ra Thông báo số 11/TB-UBND về việc đình chỉ hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực mỏ của bà Bùi Thị Tấm. UBND huyện Tủa Chùa hiện đang chỉ đạo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác  khoáng sản trái phép tại xã Xá Nhè.

Bài & ảnh: Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủa Chùa - Điện Biên: Cần mạnh tay chặn đứng việc khai thác đá trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO