Từ khu vườn“ Quốc bảo” đến quốc kế dân sinh

Hương An | 31/08/2022 23:06

(TN&MT) - Trên độ cao 2.000m, dưới tán rừng già ở vùng đất Tây Nguyên, những thảm sâm xanh mướt trải dài trên con đường khúc khuỷu tít hút lên đỉnh núi. Hơn 20 năm qua, hàng trăm ha rừng đã được bảo tồn nhờ việc giữ gìn một loài cây đặc biệt thoát khỏi tuyệt chủng trong khu vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.

10 năm trước, đường lên núi Ngọc Linh rất gian nan, hiểm trở. Vượt dốc, băng đèo, bên rừng bên vực… muốn tới đỉnh núi thiêng, người ta phải đi bộ ít nhất nửa ngày trời. Vì ít người dám đi, nên khu vườn ấy được bình yên ẩn mình trong gần hai thập kỷ, âm thầm giữ gìn nguồn gen gốc cho sâm Ngọc Linh - một trong những loài sâm quý nhất thế giới.

thumbnail_sam1.jpg
muốn tới đỉnh núi thiêng, người ta phải đi bộ ít nhất nửa ngày trời

Là giống cây bản địa đặc biệt chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh, một địa danh thuộc dãy Trường Sơn, trong những năm chống Mỹ, loài cây rừng vốn được bà con Xơ Đăng dùng để chữa trị vết thương cho bộ đội này bỗng nhiên được các nhà khoa học phát hiện ra những tính năng “thần dược”. Trong cây sâm Ngọc Linh có tới 52 loại hợp chất saponin có tác dụng rất tốt với sức khỏe con người, đặc biệt trong việc phòng ngừa ung thư, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có 24 hợp chất saponin. Hơn thế, sâm Ngọc Linh còn chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Vì thế, với giới khoa học và y dược học, sâm Ngọc Linh được xếp vào danh sách những loài sâm quý hiếm nhất thế giới, thậm chí có giá trị hơn cả sâm Hoa Kỳ hay sâm Triều Tiên.

Vì quý hiếm như vậy nên cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cây sâm Ngọc Linh từng bị khai thác nhanh chóng và vô độ, đến mức cạn kiệt gần như tuyệt chủng. Những người bảo tồn sâm khi ấy phải đến gõ cửa từng nhà, xin mua lại của bà con từng củ sâm gốc với giá hàng chục triệu đồng để đem về ươm giống, hồi sinh. Kỹ thuật trồng sâm và giữ gìn gen gốc vô cùng gian nan. Do chỉ sống trong đất có độ mùn dày, không được bón bất kỳ loại phân gì, và tiếp nhận ánh nắng từ 30% đến 40% nên sâm Ngọc Linh phải được lớn lên dưới các tán cây cổ thụ. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng phải đảm bảo để cây được trồng không khác gì cây sống trong tự nhiên.

Cây thì quý nhưng thân cây thì lại bé nhỏ, sống trong rừng già rất mong manh. Mỗi năm cây chỉ ra một đốt, và cây càng nhiều đốt, nhiều tuổi thì giá trị dược tính càng cao. Một khi rễ bị nhổ lên thì cây cũng kết thúc một vòng đời. Vì thế, việc trồng sâm phải âm thầm, bí mật để có thể bảo vệ nghiêm ngặt từng bông hoa, tán lá cho tới những đốt củ mới nhú lên. Dường như muôn loài đều biết cây sâm Ngọc Linh quý nên các loài thú như nhím, sóc, dúi, tê tê… thường tìm đến ăn củ sâm, còn chim thì tìm ăn hạt. Riêng con người… thì thích ăn hết, từ rễ cho tới lá, thân, hoa, hạt… bởi các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mọi thành phần của cây sâm đều có tác dụng ngăn ngừa và phòng chống bệnh hiểm nghèo. Do vậy, bảo vệ cây sâm nghĩa là phải bảo vệ qua ít nhất ba lớp tấn công: mưa nắng tự nhiên, các loài chim thú và… những người đào trộm.

Vậy mà vườn sâm hàng trăm ha đó đã được “giấu kỹ”, nhờ những người yêu rừng và yêu sâm. Thời gian hồi sinh cho cây sâm phải tính bằng thập kỷ.

trong-sam-1-5932.jpg

Bà con Xơ Đăng là những người góp công lớn trong việc bảo tồn sâm Ngọc Linh.

Sau hơn 20 năm, không chỉ giống gen gốc quý hiếm được bảo tồn mà cả những khu rừng già trên đỉnh Ngọc Linh cũng được giữ gìn nguyên trạng. Có rừng thì mới có sâm. Dường như thiên nhiên đã tặng lại cho những con người ngày đêm giữ rừng một món quà quá xứng đáng. Năm 2018, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, đến thăm vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, ông đã trao danh hiệu “Quốc bảo” - báu vật của quốc gia - cho loài cây quý này.

Hiếm và quý như vậy nên sâm Ngọc Linh có giá rất cao, có thể lên tới vài trăm triệu/ký. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở việc khai thác nguyên liệu thô, sâm Ngọc Linh có thể là sản phẩm chỉ dành cho người giàu. Nhưng không! Mới đây nhất, sâm Ngọc Linh đã được các bộ, ngành “đặt hàng” để tiếp tục phát triển thành vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp chế biến sâu trị giá hàng tỉ đô la, mở ra cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động. Bên cạnh đó, những sản phẩm phổ thông như nước uống, trà sâm, yến sâm, các dòng thực phẩm chức năng có giá trị y dược học cao chiết xuất từ sâm Ngọc Linh sẽ đến được với người lao động, giúp họ nâng cao sức khỏe với mức giá bình dân hơn. Thậm chí, trong một tham vọng không xa, sâm Ngọc Linh còn có thể cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu “quốc gia sâm” của Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu. Và đó chính là ý nghĩa của việc biến “Quốc bảo” trở thành “quốc kế dân sinh”, tạo nên một thương hiệu quốc gia mới cho Việt Nam, bên cạnh cà phê và lúa gạo. Hành trình phía trước có thể sẽ gian nan không kém những năm tháng đã qua, nhưng giá trị của cây sâm Ngọc Linh xứng đáng để con người phải có chiến lược bảo vệ và phát triển nó. Và đất trời sông núi sẽ trả lại quà tặng xứng đáng cho những người yêu mến và bảo vệ thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ khu vườn“ Quốc bảo” đến quốc kế dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO