TS Trần Quang Hoài: Sẵn sàng ứng phó với sạt lở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ

Tuyết Chinh (thực hiện) | 09/07/2020, 08:52

(TN&MT) - Dưới tác động của BĐKH, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan và bất thường, lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra trên diện rộng, ở nhiều nơi tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các địa phương phải chuẩn bị ra sao để ứng phó?

Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.

TS Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến thiên tai ở nước ta những năm gần đây, đặc biệt là tình hình lũ quét, sạt lở đất ?

TS. Trần Quang Hoài: Trong những năm gần đây, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường về cả tần suất và cường độ, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về cả tính mạng và tài sản của người dân. Từ năm 2017 tới 2019, thiên tai đã làm 743 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 87.000 tỷ đồng .

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 188 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh/TP; 1 cơn bão trên biển Đông; 3 trận lũ quét, sạt lở đất; 21 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…đã làm 48 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 3.388 tỷ đồng.

Lũ quét, sạt lở đất ở nước ta diễn ra vô cùng khốc liệt, nhất là tại khu vực miền núi Phía Bắc, miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cụ thể, trong năm 2017 lũ quét, sạt lở đất làm 71 người chết và mất tích; năm 2018 là 82 người và trong năm 2019 là 34 người đã và đang trở thành một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dân với tính chất bất thường, khó dự báo, cảnh báo cũng như do tập quán sinh sống ven bờ sông, bờ suối và sườn đồi của bộ phận đồng bào khu vực miền núi.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; lũ trên các sông từ BĐ2-BĐ3 và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc. Nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế cho thấy sau hạn hán kỷ lục sẽ là mưa lũ đặc biệt lớn như đã xảy ra trong lịch sử.

Phóng viên: Thiên tai đang diễn biến ngày càng cực đoan và bất thường, vậy chúng ta đã có những chuẩn bị gì để ứng phó với tình hình trên?

TS. Trần Quang Hoài: Cả hệ thống chính trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Cụ thể, ngày 24/3/2020, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới.

Ngày 15/5/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 để quán triệt, chỉ đạo các giải pháp công tác phòng, chống thiên tai các tháng còn lại tới trên 20.000 cán bộ chủ chốt làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp.

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã bhành Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT ngày 16/4/2020 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2020. Phân công phụ trách địa bàn và tổ chức các đoàn công tác của thành viên BCĐ kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trước mùa mưa lũ. Đến nay đã hoàn thành kiểm tra tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

BCĐ cũng làm việc với Bộ Công thương và tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về công tác vận hành hồ chứa thủy điện và phương án đảm bảo an toàn khu vực hạ du trong mùa mưa lũ.

Đồng thời, ban hành hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 và phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai. Đồng thời, rà soát công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương án đã chuẩn bị.

Tổ chức xây dựng và chuyển giao cho các địa phương bản đồ hiện trạng và phân vùng trượt lở đất đá khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với đó, xây dựng, tăng cường các trạm đo mưa tự động, trạm cảnh báo lũ quét. Nghiên cứu đề xuất xây dựng thí điểm công trình phòng, chống lũ bùn đá cho một số tỉnh miền núi.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông chuyển tải các thông tin về tình hình thiên tai, thiệt hại và hướng dẫn kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, mưa đá,…đến cộng đồng với nhiều hình thức phong phú.

Phóng viên: Việc ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ được ưu tiên ra sao, thưa ông?

TS. Trần Quang Hoài: Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị; do vậy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của người dân sau thiên tai.

Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng ở Lào Cai

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo thường xuyên có mặt tại hiện trường trong và sau thiên tai để chỉ đạo hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả, đồng thời quan tâm chỉ đạo bố trí các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả toàn quốc, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nơi tập trung chủ yếu các đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Làm tốt chính sách an sinh xã hội trong và sau thiên tai như: tổ chức thăm hỏi gia đình có người bị nạn, cứu chữa người bị thương. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, bị thiệt hại do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất (Trong 03 năm 2017-2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 3.329 tỷ đồng, chiếm 58,2 tổng kinh phí hỗ trợ toàn quốc);

Mặt khác, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ dự trữ quốc gia hoặc hỗ trợ kinh phí dể người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Quan tâm giành nguồn lực lớn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, Quỹ Phòng, chống thiên tai, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để sửa chữa, khôi phục nhanh chóng các công trình phòng, chống thiên tai bị thiệt hại; bố trí kinh phí di dời khẩn cấp dân cư vùng thiên tai khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ với tổng kinh phí 259 tỷ đồng trong 2019.

Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai từng bước tiếp cận theo phương châm xây dựng lại tốt hơn, đảm bảo sinh kế bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới như tại Bát Xát, tỉnh Lào Cai; Mường La, tỉnh Sơn La; Mường Lát và Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Công tác cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai đạt nhiều kết quả, góp phần giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Phóng viên: Vậy thì, các địa phương cần chuẩn bị những gì để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thưa ông?

TS. Trần Quang Hoài: Để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với nguy cơ sạt lở đất gây ra các địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Trước hết, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác tác phòng chống thiên tai đảm bảo tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức (hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh ở cơ sở, in phát tờ rơi), bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa, bảo đảm thông tin đến được người dân tại các thôn, bản; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.

Tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài chưa tiếp cận được hiện trường.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn. Triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ.

Sạt lở chia cắt các huyện ở Lào Cai

Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định); kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi buông lỏng quản lý, triển khai không nghiêm túc và tiếp tục để xảy ra vi phạm.

Ngoài ra, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng trong công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay?

TS. Trần Quang Hoài: Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ trung ương đến cơ sở, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn.

Chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn và thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời. Đặc biệt cần xây dựng phương án ứng phó mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, công trình đê điều, hồ đập (nhất là đối với 200 hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ); phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thười tiết, thiên tai, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai hiệu quả: cập nhật, hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa; đẩy mạnh xã hội hóa, thuê dịch vụ quan trắc.

Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực, các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp nhất là đầu tư cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đào tạo, tập huấn, diễn tập cho đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai và cộng đồng.

Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ, khu tránh trú bão cho tàu thuyền, di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 và kế hoạch ngân sách hằng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong quan trắc, giám sát, dự báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai kịp thời, chính xác. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
ĐBQH Lý Thị Lan đề nghị sớm triển khai chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi
(TN&MT) - Theo Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, việc chậm, chưa ban hành các quy định pháp luật tất yếu dẫn tới lãng phí cơ hội thụ hưởng, tiếp cận chính sách của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đừng bỏ lỡ
  • Thanh Hóa: Trồng rừng gỗ lớn thích ứng biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Việc xây dựng và triển khai đề án trồng rừng gỗ lớn ở huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hóa) đã cho thấy không những phát huy hiệu quả kinh tế, chống xói mòn, rửa trôi đất, ổn định kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo… mà còn là “công cụ” để thích ứng biến đổi khí hậu.
  • Sơn La: Canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Dưới tác động ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH), chủ động thích ứng, đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La quan tâm chú trọng.
  • Long An: Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp giảm nghèo bền vững
    (TN&MT) - Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Long An đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
  • Bộ TN&MT tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó BĐKH
    (TN&MT) - Ngày 23/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường” cho các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội của các tỉnh phía Bắc.
  • Nguy cơ bệnh tật tăng theo nhiệt độ
    (TN&MT) - Theo Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), hiện nay, tình trạng nắng nóng gay gắt xuất hiện tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và người lao động. Các vấn đề thường gặp phải là say nắng, say nóng, đột qụy do nắng nóng.
  • Phòng, chống thiên tai: Các địa phương chủ động, linh hoạt ứng phó
    (TN&MT) - Thời gian qua, mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, nhưng các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
  • Ngân hàng ADB tài trợ Dự án biến đổi khí hậu nhằm giải quyết các rủi ro về thiên tại Thanh Hóa
    Vừa qua, đoàn công tác của Ngân hàng ADB do ông Keiju Mitsuhashi, Quyền Giám đốc Quốc gia, ADB Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về Dự án biến đổi khí hậu.
  • Hội thảo chính sách và công nghệ tái chế phế liệu nhựa thực hiện kinh tế tuần hoàn
    (TN&MT) Ngày 18/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức hội thảo “Chính sách và công nghệ tái chế phế liệu nhựa để sản xuất hạt nhựa tái sinh, thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn theo quy định của Luật BVMT 2020".
  • Quảng Bình: Phát triển du lịch thích ứng biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Nhờ vị trí địa lý tự nhiên và địa hình đa dạng, Quảng Bình có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên, tỉnh cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Làm thế nào để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững, thích ứng với thiên tai đang là bài toán đặt ra bức thiết với địa phương này.
  • Châu Âu đối mặt với hạn hán: Nhiều quốc gia thiếu nước nghiêm trọng
    (TN&MT) - Thời gian qua, hạn hán đã khiến phần lớn các nước ở châu Âu trải qua tình trạng khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng trong bối cảnh giới khoa học lo ngại hiện tượng El Nino mạnh có thể khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng kỷ lục.
  • Bến Tre: Chú trọng phòng, chống thiên tai hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
    (TN&MT) - Là tỉnh ven biển với bờ biển dài cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt, Bến Tre thường xuyên chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi các loại hình thiên tai gây ra. Để hướng đến cuộc sống an toàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre xung quanh nội dung này.
  • Giảm nhiệt đô thị bằng giải pháp làm mát bền vững
    (TN&MT) - Trong giai đoạn 2022-2024, 3 thành phố: TP. Cần Thơ, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) sẽ tham gia chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”.
  • Dự báo thời tiết ngày 17/5, cả nước nắng nóng gay gắt
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTVQG, ngày 17/5, khu vực Hà Nội và Bắc Bộ có mây, ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng; chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
  • Xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia
    (TN&MT) - Ngày 11/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức Hội thảo khởi động “Nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”. Nghiên cứu là cơ sở đề xuất phương án xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO