TS Hoàng Dương Tùng: Xóa bếp than tổ ong - cần quyết tâm chính trị

Tuyết Chinh – Hoàng Ngân (thực hiện)| 12/12/2019 10:06

(TN&MT) - “Loại bỏ việc sản xuất, sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày là việc cần làm ngay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, các cấp chính quyền ở Thủ đô phải đủ quyết tâm chính trị và có nhiều giải pháp quyết liệt”, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT xung quanh chuyện cải thiện chất lượng không khí.

TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) . Ảnh: Việt Hùng

PV: Theo ông đánh giá, việc sử dụng bếp than tổ ong có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng không khí ở Thủ đô?

TS. Hoàng Dương Tùng: Trước tiên phải nói rằng chất lượng không khí Thủ đô trong những năm gần đây, đặc biệt là năm nay ô nhiễm ở mức báo động. Chất lượng không khí không chỉ tăng về số ngày ô nhiễm mà còn tăng các điểm đột biến về mức nguy hại.

Hiện nay, mỗi ngày ở Hà Nội tiêu thụ hơn 500 tấn than tổ ong kéo theo thải ra môi trường gần 2000 tấn CO2, cùng một lượng lớn bụi mịn PM2.5 và nhiều khí thải độc hại khác . Tất nhiên, đây không phải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất nhưng cũng là một nguồn cần loại bỏ. Nhiều gia đình sử dụng bếp than tổ ong trong nhà, lượng CO2 và khí độc hại thải ra chính những người trong nhà đó phải chịu; đặt bếp ở vỉa hè, đường phố thì nhiều người khác cũng phải hứng chịu.

Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng tình việc Hà Nội có lộ trình thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ. Ở nhiều nước châu Âu, người ta có thói quen dùng lò sưởi vào mùa đông, thói quen này gây ô nhiễm rất lớn, nhưng bây giờ họ cũng đã cấm. Cho nên, việc Hà Nội cấm dùng bếp than tổ ong chỉ là việc sớm hay muộn, không thể không làm.

PV: Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND TP Hà Nội đã đưa ra lộ trình cụ thể từ thay thế, loại bỏ toàn bộ cho đến xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong... Việc đưa ra lộ trình như vậy dễ tạo tâm lý “khi nào cấm thì bỏ” ở người dân. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi cho rằng khi thành phố đưa ra lộ trình loại bỏ việc sản xuất, sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày, về mặt pháp luật người dân có tâm lý như vậy là không sai, khi nào cấm thì người ta bỏ, còn chưa cấm họ chỉ hạn chế.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong muốn làm ngay chúng ta phải cương quyết. Bên cạnh lộ trình cụ thể cần có các biện pháp hỗ trợ thêm cho người dân.

 Phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) tổ chức lực lượng loại bỏ bếp than tổ ong lấn chiếm vỉa hè ngày 5/12/2019. Ảnh: Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cung cấp

Hiện nay, các gia đình còn duy trì sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu là do thói quen và sự tiện lợi. Về vấn đề này, tôi cho rằng phải tăng cường vận động, phải chứng minh cho người dân thấy được “xóa bếp than tổ ong” là việc cần làm và hoàn toàn có thể làm được.

Đã có nhiều bằng chứng từ Tổ chức Y tế thế giới về việc sử dụng bếp than tổ ong tạo khói và bụi độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu cặn kẽ những ảnh hưởng đó đến chính sức khỏe của bản thân họ và những người xung quanh.

Đặc biệt, để việc xóa bỏ bếp than tổ ong đạt được kết quả theo đúng lộ trình đã đề ra, bên cạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan quản lý cần thực hiện nhiều giải pháp thực sự quyết liệt.

Trong đó, TP Hà Nội cần có chế tài mạnh mẽ, thậm chí công khai thông tin những hộ gia đình, hộ kinh doanh… còn sử dụng bếp than tổ ong, huy động các tổ chức đoàn thể như Tổ dân phố, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh vào cuộc. Có nghĩa là, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở phải đồng lòng, thực sự tỏ rõ quyết tâm “loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong” trong đời sống dân cư.  

PV: Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2021, TP Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh vi phạm đốt than tổ ong gây ô nhiễm môi trường. Để việc áp dụng xử phạt thực sự có hiệu quả cần có giải pháp gì, thưa ông?

TS. Hoàng Dương Tùng: Đến nay việc áp dụng Nghị định 155/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử phạt đun than tổ ong, tôi cho rằng thực tế chưa làm được. Mặc dù, trong Nghị định 155 đã nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp phường, xã và quận, huyện trong việc xử phạt vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường; nhưng quy trình thanh tra để đi đến xử phạt rất phức tạp chứ không phải nhìn thấy là phạt luôn được ngay.

Đối với hành vi “sử dụng bếp than tổ ong” gây ô nhiễm không khí cũng vậy; theo quy định, nồng độ chất gây ô nhiễm không khí ở mức bao nhiêu thì mới bị phạt. Muốn có được số liệu này phải có máy móc, thiết bị quan trắc để đo nồng độ. Vậy nên, tôi cho rằng sau một thời gian tuyên truyền vận động, khuyến cáo hạn chế, đưa ra các giải pháp thay thế, TP Hà Nội nên có những quy định riêng, có thể là không cần đo mà nhìn thấy “dùng bếp than tổ ong” là phạt và cấm luôn.

PV: Từ câu chuyện xóa bếp than tổ ong, theo ông nên có những giải pháp trước mắt và lâu dài gì nhằm cải thiện chất lượng không khí Thủ đô?

TS. Hoàng Dương Tùng: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Các biện pháp cụ thể đã được đề ra từ tìm các nguồn gây ô nhiễm, có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong từng lĩnh vực: giao thông, xây dựng, trong sản xuất, trong đốt rơm rạ, đun bếp than tổ ong… Thế nhưng, theo tôi cái cần nhất bây giờ là “quyết tâm chính trị”. Chúng ta không thể cứ nhìn nhận ra vấn đề rồi để đấy, không có biện pháp cụ thể.

Chúng ta phải coi “sức khỏe người dân” là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí không thể gây chết người ngay nhưng lại có tác hại hơn nhiều lần so với bất kỳ loại ô nhiễm nào khác, ô nhiễm không khí cũng không loại trừ bất kỳ ai từ trẻ nhỏ đến người già.

“Xóa bếp than tổ ong” không phải là việc có thể làm trong ngày một, ngày hai; nhưng rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy tương lai, cách đi và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cho đến các tổ chức đoàn thể nhân dân.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS Hoàng Dương Tùng: Xóa bếp than tổ ong - cần quyết tâm chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO