Phát triển bền vững

Trượt lở đất đá: Hiểu để ứng phó kịp thời

Mai Anh 17:36 29/09/2023

(TN&MT) - Những năm gần đây, trượt lở đất đá là một trong số các dạng tai biến địa chất xảy ra với tần suất khá cao, mức độ trầm trọng và trên diện ngày càng rộng, gây nên nhiều thiệt hại về người và cơ sở vật chất cho cộng đồng. Chính vì vậy, người dân cũng như các cấp chính quyền cần có hiểu biết đầy đủ về hiện trạng, nguyên nhân, cũng như cơ chế và quá trình hình thành các loại trượt lở đất đá cùng với các dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh.

z3789612836014_28e971b4908415b40f6fcaf0360f5c0e.jpg
Lưu vực có khả năng xảy ra trượt sâu tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Khái niệm và phân loại trượt lở đất đá

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trượt lở đất đá là sự di chuyển của khối đá, mảng vụn hay đất xuống sườn dốc, khi ứng suất cắt vượt quá độ bền cắt của vật liệu.

Tuy nhiên, theo định nghĩa một cách hàn lâm, trượt đất là quá trình di chuyển của những khối đất đá trên sườn dốc, trong đó ít xảy ra sự đổ vỡ hoặc đảo lộn tính nguyên khối của chúng. Trượt đất có thể xảy ra chậm chạp, thường chỉ có thể ghi nhận được nhờ các thiết bị đo đạc chính xác, song trong nhiều trường hợp cũng có thể xảy ra nhanh, mang tính đột biến. Khác với trượt đất, lở đất thường xảy ra nhanh, cấu trúc đất đá của khối lở đất thường bị xáo trộn, phá hủy đáng kể. Lở đất thường là bước phát triển kế tiếp của khối trượt đất thuần túy trong điều kiện mặt trượt dốc và chân khối trượt không còn khả năng chống đỡ tự nhiên. Sự chuyển từ trạng thái trượt sang lở đất là khá phổ biến và tác hại của hiện tượng này tăng lên đáng kể. Thuật ngữ trượt lở đất đá để chỉ hiện tượng kết hợp của cả hai quá trình tai biến này.

Theo đó, trượt lở đất đá được xem là một hiện tượng tai biến tự nhiên xảy ra khi khối đất đá trên sườn dốc bị mất thế cân bằng, các lực gây trượt vượt quá các lực kháng trượt dưới tác động tiêu cực của các quá trình địa chất - địa động lực, sự phát triển của thực vật, quá trình sử dụng đất, các hoạt động tai biến địa chất và biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại nhân sinh, cũng như tần suất, cường độ lắng đọng trầm tích, chấn động, độ dốc sườn và các tính chất về thành phần thạch học, đặc điểm cơ lý của nền đất đá.

Về vấn đề phân loại các kiểu trượt lở đất đá, trong quá trình nghiên cứu - điều tra tai biến trượt lở đất đá, có nhiều hệ thống phân loại, trong đó có hai hệ thống được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở các nước phương Tây: Hệ thống phân loại do Hutchinson (1968); Skempton & Hutchinson (1969) đề xuất và Hệ thống phân loại do Varnes (1978, 1984) đề xuất.

Những nguyên nhân nào dẫn đến trượt lở đất?

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, nguyên nhân dẫn đến trượt, sạt lở đất, đá do nhiều yếu tố, gồm có yếu tố ngoại sinh (như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá,...); yếu tố nội sinh (như động đất) hay do hoạt động của con người (phá rừng, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và công trình khác). Những sự cố trượt lở trong quá khứ cũng tiềm ẩn nguy cơ trượt tiếp trong tương lai.

Trượt lở đất để lại những hậu quả gì?

Theo các nhà địa chất, trượt lở đất gây thiệt hại đến tính mạng con người và tài sản, đồng thời gây nhiều thiên tai và thảm họa thứ sinh khác: Tạo đập chắn chặn dòng chảy tạm thời, khi vỡ đập gây lũ quét, lũ lụt; sập đổ lớn có thể gây cháy, nổ. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 25-50 người/năm.

Dấu hiệu nhận biết sạt lở đất

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, dấu hiệu nhận biết sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông, suối từ trong chuyển màu thành nước đục…; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất.

Biện pháp ứng phó với trượt lở đất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra một số biện pháp phi công trình với sạt lở đất gồm: Sử dụng các kết quả bản đồ đánh giá rủi ro để xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; tăng cường công tác dự báo mưa: Bổ sung các trạm đo mưa, tăng độ chính xác của bản tin dự báo mưa; sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm; thông tin, truyền tin, cảnh báo sớm đến người dân; tổ chức cắm các biển hiệu cảnh báo khu vực nguy hiểm.

z3789612817985_59ab671f33e8ec76a8aa52c80f6b1514.png
Lưu vực có khả năng xảy ra trượt sâu tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa, với vết nứt kéo dài hơn 300m

Đồng thời, tiến hành quy hoạch sử dụng đất để phục vụ công tác di dời người dân, trồng rừng, phát triển nông nghiệp, bố trí dân cư an toàn gắn với sinh kế bền vững; tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để phòng tránh, giảm thiểu; rà soát, thống kê, lập phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp công trình như: Đối với các khu có mật độ dân cư cao, các công trình lịch sử, hạ tầng cơ sở quan trọng có thể được bảo vệ bằng hệ thống tường kè bao kết hợp các rãnh thoát nước; lắp đặt các hệ thống cảnh báo, đo đạc, ống thu nước ngầm tại các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất. Các biện pháp trên cần được kết hợp, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của từng địa phương và nguồn kinh phí được bố trí để lựa chọn phù hợp.

Những việc cần làm thường xuyên, nên làm và không nên làm để ứng phó với sạt lở đất

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, những việc cần làm thường xuyên để đảm bảo an toàn trước sạt lở đất gồm: thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài và ti vi về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao; gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…; trồng cây, bảo vệ rừng để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất.

Ngoài ra, chúng ta cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình, đặc biệt trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết; không nên xây nhà ở những khu vực đã từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối, sườn dốc, gần mái dọc đường giao thông.

Đặc biệt, chúng ta cần tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình đã từng xảy ra sạt lở đất chưa, chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt, lở đất.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, những việc không nên làm để ứng phó với sạt lở đất gồm: Không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất; không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần; không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.

Những việc nên làm để ứng phó với sạt lở đất gồm: Theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, cần bảo vệ tính mạng trước tiên; chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.

Bài liên quan
  • Phân vùng sạt lở để chủ động phòng tránh
    (TN&MT) - Trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng thiên tai vô cùng nguy hiểm, hàng năm đều gây thiệt hại về người và tài sản cho tại các tỉnh miền núi. Nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng bản đồ phân vùng phục vụ phòng chống thiên tai một cách chủ động hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO