can-bo-chien-sy-xuong-tau-hanh-quan-ra-dao-giai-phong-quan-dao-truong-sa-anh-bao-hai-quan-.jpg
Xã hội

Trường Sa ngày ấy…

Mai Thắng 30/04/2023 - 14:21

(TN&MT) - Trường Sa bây giờ là một thị tứ sầm uất giữa biển Đông. Ở nơi ngàn trùng sóng gió ấy, có đông đảo quân, dân đang ngày đêm vững chắc tay súng canh đảo, giữ biển - mảnh đất máu thịt thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Giải phóng Trường Sa

Theo chân đại tá Tạ Quang Nam, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân, chúng tôi đến nhà Thiếu tướng Mai Năng- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 126 Đặc công Hải quân - người được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa cách đây 48 năm trước.

Thiếu tướng Mai Năng đã vào cõi vĩnh hằng chỉ còn lại những lưu bút được ông chép trong cuốn sổ nhỏ cẩn thận làm tư liệu cho hậu thế. Ông Tạ Quang Nam là con trai của Thiếu tướng Mai Năng bảo: “Lúc còn sống, bố tôi vẫn bảo: Giải phóng Trường Sa là mệnh lệnh từ trái tim người lính biển”.

quan-dao-truong-sa-29421.jpg
Trong tháng 4/1975, quân ta giải phóng các đảo dọc bờ biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ; tiến công và giải phóng hầu hết các đảo trong quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ. Trong ảnh: Bộ đội Đặc công hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28/4/1975. Ảnh: TTXVN 

Thực hiện mệnh lệnh giải phóng Trường Sa của Bộ Tổng Tham mưu, hơn 200 cácn bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 126 Hải quân và Quân khu 5 xuống tàu 673, 674, 675 vượt biển. Để bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, tất cả các tàu đều được giả danh tàu đánh cá của ngư dân.

Ngày 10/4/1975, dưới sự chỉ huy của Tướng Mai Năng, biên đội tàu Hải quân 673, 674, 675 đã xuất phát rời cảng Tiên Sa Đà Nẵng đem thao bao khát vọng hoài bão của những người lính trẻ thẳng hướng Trường Sa. Để bảo đảm bất ngờ bí mật, Quân chủng Hải quân đã quyết định điểm tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây.

anh-hung-llvtnd-mai-nang-da-mat-noi-chuyen-truyen-thong-tai-lu-doan-dac-cong-126-anh-bao-hai-quan-.jpg
Anh hùng LLVTND Mai Năng (đã mất) nói chuyện truyền thống tại Lữ đoàn Đặc công 126 (Ảnh báo Hải Quân)

Sau 3 ngày đêm hành quân liên tục trên biển, đêm 13/4/1975, đảo Song Tử Tây đã hiện ở đằng xa. Được lệnh của chỉ huy, tàu 673 tiếp cận quanh đảo, định hướng đổ bộ. Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết.

1 giờ sáng 14/4/1975, Tàu 673 tiếp cận sát mép đảo, đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế được lệnh chỉ huy 3 mũi tấn công đổ bộ vào đảo. Song Tử Tây lúc này vẫn chìm trong màn đêm đen thẫm, thỉnh thoảng có vài ánh đèn le lói của đám lính tuần tra trên đảo. Sau 2 giờ vật lộn với dòng nước xoáy, lực lượng đổ bộ đã tiến vào đảo, chiếm lĩnh các vị trí.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế hạ lệnh nổ súng. Khẩu ĐKZ gầm lên, một tia chớp lửa lao vút ra, vạch một đường sáng thẳng phía lô cốt địch. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt. B40, B41 của bộ đội ta ở các mũi tiến công liền bịt họng các ổ đề kháng của địch. Bọn địch bị dồn ra sát bờ biển. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo. Lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền. Sau khi thu dọn chiến trường, cắt cử lực lượng phòng thủ đảo, đưa tù binh về đất liền, quân ta nhanh chóng rút kinh nghiệm, chuẩn bị lực lượng giải phóng các đảo còn lại.

tau-cua-doan-125-cho-dac-cong-ra-giai-phong-truong-sa-anh-tu-lieu-.jpg
Tàu của Đoàn 125 chở đặc công ra giải phóng Trường Sa (Ảnh tư liệu)

Đêm 23, rạng sáng 24/4/1975, tàu 673 tiếp tục chở lực lượng đặc công giải phóng các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa. Cùng đi có tàu 641 của thuyền trưởng Trần Tú. Biên đội chia làm 2 mũi. Tàu 673 chở lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo Nam Yết - trung tâm chỉ huy quân ngụy. Tàu 641 chở quân đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca. Do nước chảy xiết, lại cách xa đảo nên tàu 641 đổ bộ không thành. Lần đổ bộ thứ hai, rút kinh nghiệm, tàu vào sát đảo. Sau khi trinh sát đảo, 2 giờ 30 sáng 24/4/1975 trận đánh bắt đầu. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Đỗ Viết Cường, quân địch không kịp chống cự, bị ta bắt sống. Đêm sau, biên đội tiến vào giải phóng Nam Yết. Tàu 641 tiếp tục hành quân đi giải phóng đảo Sinh Tồn vào lúc 10 giờ 30 ngày 28/4/1975.

Biển, bờ nối liền một dải

Ông Nguyễn Xuân Thơm, nguyên thuyền trưởng tàu 673 - một trong ba tàu hành quân ra giải phóng Trường Sa vẫn giữ nhiều hình ảnh, tư liệu về trận đánh trên đảo Song Tử Tây. Và dường như thời gian 48 năm làm xóa nhòa nhiều thứ, thì đối với ông ký ức trận đánh vẫn nguyên vẹn. “Làm sao mà quên được những tháng ngày huy hoàng ấy. Có thể nói, những ngày hành trình, chiến đấu trên đảo Trường Sa là những ngày ý nghĩa nhất của đời lính.

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, biên đội tàu được lệnh đưa tù binh rút về Đà Nẵng, kiện toàn lại lực lượng tiếp tục giải phóng các đảo còn lại ở Trường Sa theo kế hoạch. 4 giờ ngày 21/4/1975, biên đội tàu lại rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Trong đợt đi này, tàu 641 do thuyền trưởng Trần Tú chỉ huy, hiệp đồng chặt chễ với tàu 673 tạo mũi xung kích “tiến công gọng kìm” từ hai bên sườn đảo.

Đêm 24/4/1975, theo phân công từ Sở chỉ huy, tàu 673 đưa đặc công đổ bộ vào đảo Nam Yết. Theo nhận định của ta, đây là trung tâm đầu não của lính Việt Nam Cộng hòa ở quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tàu 641 tiến vào đánh chiếm đảo Sơn Ca. Hai đảo này cách nhau 5 hải lý về hướng Đông Bắc có thể thấy nhau nên dễ yểm trợ. Khác với chiến thuật tiến công trên đất liền là vượt cửa mở, đánh tiền duyên, việc bí mật đổ bộ đánh địch trên biển khó khăn hơn vì mặt biển trống trải, dễ bị địch phát hiện. Mặc khác, điều kiện sóng to gió lớn thì tàu không thể tiếp cận được đảo. Và cho dù có lực lượng đặc công nhái bơi giỏi đến mấy cũng khó lòng tiếp cận đảo cách xa trên 10 cây số trong điều điều kiện sóng lớn. Trước tình thế ấy, tàu 641 đã bí mật tiếp cận song 2 lần mới vào được đảo Sơn Ca, trong khi đó tàu 673 chạy vòng vòng ngoài biển để nghi binh địch.

can-bo-chien-sy-xuong-tau-hanh-quan-ra-dao-giai-phong-quan-dao-truong-sa-anh-bao-hai-quan-.jpg
Cán bộ, chiến sỹ xuống tàu hành quân ra đảo giải phóng quần đảo Trường Sa (Ảnh báo Hải quân)

1 giờ 30 sáng 25/4/1975, sau khi các chiến sĩ đặc công của ta tiến hành trinh sát, bí mật ém quân quanh đảo và báo cáo về sở chi huy “đủ điều kiện nổ súng”. 2 giờ 30 phút sáng 25/4/1975, trận chiến đấu giữa các chiến sĩ đặc công và quân ngụy trên đảo Sơn Ca bắt đầu. Bất ngờ, súng cối, súng đại liên, 12,7 ly, AK của ta đồng loại tấn công vào các ụ súng, lô cốt, giao thông hào của đối phương. “Lúc đó tất cả bọn chúng đang ngủ. Một số lính gác ở sở chỉ huy và công sự phía trước đảo cũng không kịp trở tay vì người nhái của ta bí mật quật ngã tại chỗ. Hầu hết chúng không chống cự được. Một số đua nhau bỏ chạy ra ngoài bị ta bắt sống. Thừa thắng, ta thực hiện kêu gọi đối phương đầu hàng. Biết không thể giữ được đảo nữa, số lính còn lại đành phải kéo cờ trắng ra đầu hàng. 3 giờ sáng, ta bắt hết tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vừa kéo lên trên đỉnh cột cờ của đảo Sơn Ca cũng vừa lúc trời hừng đông trên đảo”, ông Thơm kể lại.

Ngay sau khi giải phóng đảo Sơn Ca, Sở chỉ huy tiền phương của quân chủng Hải quân lập tức lệnh cho hai tàu 673 và 641 tiến ra đảo Nam Yết. “Tối 26/4/1975, tàu 673 và 641 tiếp cận đảo Nam Yết. Khi thấy lực lượng ta tiến vào, các tàu đối phương vội vã cho quân xuống tàu bỏ chạy. Nắm bắt được tình hình, hai tàu của ta khẩn trương áp sát đảo và chiếm giữ toàn bộ Nam Yết. Đúng 10 giờ 30 ngày 27/4/1975, ta đưa một lực lượng lên đảo Nam Yết chốt giữ, một lực lượng khác xuống tàu 641 tiến sang đảo Sinh Tồn. 10 giờ 30 ngày 28/4, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn” - thuyền trưởng Thơm nhớ lại.

gia-phong-dao-son-ca-quan-dao-truong-sa-ngay-25-4-1975-anh-tu-lieu-.jpg
Giả phóng đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa ngày 25-4-1975 (Ảnh tư liệu)

Cũng vào thời điểm ấy, trên hướng đảo Trường Sa lớn, lúc 16 giờ chiều 28/4/1975, tàu 673 nhận lệnh đưa bộ đội nhanh chóng đến đảo Trường Sa Lớn. Đây là đảo có diện tích lớn nhất so với các đảo được giải phóng và cách Nam Yết khá xa. Các chiến sĩ trên tàu 673 bừng bừng khí thế tiến công nhanh chóng giải phóng đảo Trường Sa lớn và các đảo khác còn lại. Các đảo chìm trong cụm đảo An Bang cũng được giải phóng nhanh chóng ngay sau đó. “9 giờ sáng 29/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ quần đảo Trường Sa, đài tiếng nói Việt Nam đã chính thức công bố quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Tất cả chúng tôi vui mừng. Tay cầm súng ôm nhau mà trào nước mắt”, Thuyền trưởng Thơm nhớ lại.

Kể về giây phút hân hoan khi nghe đài phát thanh thông báo Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, thống nhất tổ quốc, thuyền trưởng Thơm xúc động chia sẻ: “Sáng 30/4/1975, khi tàu chúng tôi đang thả neo ngoài Trường Sa Lớn thì đài phát thanh thông báo ta đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn. Anh em trên tàu hò reo vang dậy. Giây phút ấy, những người con đang làm nhiệm vụ trên đảo không cầm được nước mắt. Các chiến sĩ hò reo phấn khởi: “Thống nhất rồi, thống nhất rồi, anh em ơi!” .

...48 năm sau ngày giải phóng, giờ đây, Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt. Trường Sa hôm nay không còn bóng quân thù, nhưng quân dân Trường Sa chưa bao giờ ngơi tay súng. Với khát vọng hòa bình, quân, dân Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa ngày ấy…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO