Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội: Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

03/08/2017 00:00

(TN&MT) - Với bề dày kinh nghiệm và nỗ lực đổi mới trong đào tạo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường đang trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng  yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐHTN&MT HN
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐHTN&MT HN

Hơn 60 năm hình thành và phát triển

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thành lập theo Quyết định số 1583/QĐ-TTg ngày 23/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Việc ra đời Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục trong hơn 60 năm của các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường: Từ trường sơ cấp (1955), rồi đến trung cấp, cao đẳng và trường đại học như ngày nay. Lịch sử nhà trường đã ghi dấu với việc đào tạo gần 20.000 kỹ sư, cử nhân, trung cấp chuyên nghiệp, Sơ cấp và Công nhân kỹ thuật các ngành: Khí tượng, Thủy văn, Đo đạc bản đồ, Quản lý đất đai, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Trắc địa - Bản đồ, Địa chính, Tin học… đây là nguồn nhân lực chính cho ngành TN&MT cả nước.

Không những thế, những thế hệ sinh viên của trường đã và đang góp công xây dựng các đơn vị thuộc nhiều ngành nghề kinh tế xã hội khác nhau như: Lâm nghiệp, Giao thông, Thủy lợi, Nông nghiệp, Xây dựng, Hàng không dân dụng Việt Nam, Quân chủng Phòng không Không quan, Quân chủng Hải quân, Công an... Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiều năm đào tạo cán bộ về lĩnh vực TN&MT cho nước bạn Lào và Campuchia.

Có thể nói, việc nâng cấp trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thành Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một bước ngoặt, mở ra thời kỳ mới, tạo điều kiện cho Nhà trường vươn lên tầm cao hơn, thay đổi cả về quy mô, tầm vóc và vị thế của trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mặt khác, việc thành lập Trường (trường Đại học đầu tiên của Bộ TN&MT) đã đáp ứng kịp thời việc đào tạo nguồn nhân lực TN&MT cho ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương có trình độ đại học, sau đại học với các kiến thức được đào tạo gắn liền với các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT.

Không ngừng đổi mới phương thức đào tạo

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã không ngừng đổi mới phương thức đào tạo. Từ 6 ngành đào tạo đại học (năm 2011) và cao đẳng (năm 2010) đến năm 2015 đã phát triển lên 16 ngành đại học. Từ năm 2015, Nhà trường bắt đầu đào tạo trình độ Thạc sỹ cho 3 chuyên ngành: Khoa học môi trường, Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ, Thủy văn học. Quy mô đào tạo của Nhà trường liên tục tăng qua các năm, có nguồn tuyển sinh dồi dào, chất lượng sinh viên đầu vào ngày một cao. Năm 2016, Nhà trường đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo thêm 2 ngành Thạc sĩ: Khí tượng và khí hậu học, Quản lý đất đai nâng tổng số ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ của trường lên 5 ngành. Trường đang xây dựng 3 chương trình đào tạo chất lượng cao hệ đại học ngành Quản lý môi trường, Quản lý đất đai và Kỹ thuật trắc địa bản đồ...

Thầy Hiệu trưởng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên trong lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm 2017
Thầy Hiệu trưởng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên trong lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm 2017

Đặc biệt, từ năm học 2012 - 2013, Nhà trường đã hoàn thiện và tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ bảo đảm tính mềm dẻo, linh hoạt và liên thông của phương thức đào tạo này. Các mô hình và chương trình đào tạo mới này đã góp phần đáp ứng kịp thời các nhu cầu xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển quy mô đào tạo và nâng cao địa vị, danh tiếng, uy tín xã hội của Nhà trường.

Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 Nhà trường tổ chức đào tạo song bằng đại học hệ chính quy cho 6 chuyên ngành: Quản lý Môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý đất đai, Công nghệ thông tin, Kế toán kiểm toán và phân tích tài chính, kế toán doanh nghiệp. Và từ năm học 2015 - 2016 việc đào tạo song bằng được thực hiện cho tất cả các chuyên ngành hiện có trong trường. Đến nay, tất cả các học phần đều đã có giáo trình, tài liệu học tập phù hợp với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập, giảng dạy của giảng viên và sinh viên. Để nâng cao khả năng tiếng anh chuyên ngành của sinh viên, Nhà trường đã thực hiện từ năm 2016 mỗi chương trình đào tạo giảng dạy từ 3 - 5 học phần chuyên môn bằng tiếng Anh.

Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho sinh viên
Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho sinh viên

Năm 2016, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đã đạt được những kết quả quan trọng, số lượng và chất lượng các công trình, đề tài nghiên cứu đều tăng so với năm học trước, đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong Nhà trường. Bên cạnh đó, sinh viên trong Nhà trường cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học nhằm tiếp cận và nâng cao được khả năng nghiên cứu, viết báo cáo và thuyết trình của mình trước khi tốt nghiệp ra trường. Trong năm học 2015 - 2016, số lượng đề tài của sinh viên tăng lên 72 đề tài, trong đó, có 15 đề tài đạt loại xuất sắc (chiếm 20,8%); 35 tốt (chiếm 49%); 15 khá (chiếm 20,8%) và tổ chức Hội đồng xét Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ cấp Trường năm 2015 - 2016. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai 2 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ và 20 đề tài cấp cơ sở. Cùng với tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, các thầy cô giáo trong trường đã tích cực tham gia viết bài đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong các kỷ yếu hội nghị khoa học, riêng trong năm 2016, các thầy cô đã công bố trên 300 bài báo/kỷ yếu hội thảo trong nước và hơn 60 bài báo trên các tạp chí quốc tế.

Ngoài việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục. Từ năm 2014, Nhà trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá trường đại học theo các tiêu chuẩn và tiêu chí của Bộ GD&ĐT bảo đảm yêu cầu và đã báo cáo Bộ GD&ĐT. Trường đã xây dựng hệ thống thông tin phản hồi về hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tại trường thông qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý và ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ đào tạo tại trường. Hệ thống này hiện đang là cầu nối tin cậy giữa nhà trường với xã hội. Ngoài ra, trường còn tiến hành các hoạt động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT; tổ chức lấy ý kiến đánh giá của cán bộ giáo viên, sinh viên về lớp tín chỉ; ý kiến phản hồi của sinh viên về giảng viên; khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc sau khi ra trường…

Song song với đó, Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác quốc tế trong quá trình đào tạo. Trường chủ động kết nối những chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên với các nền giáo dục tiên tiến như: Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong 6 tháng đầu năm 2017, trường đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế như: Cung cấp thông tin cho các đối tác Lào về việc tuyển sinh học sinh Lào năm học 2017 - 2018 theo diện học bổng và tự túc; tiếp đón và trao đổi với Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Ramat Negev, Israel về việc sinh viên Trường tham gia thực tập tại Trung tâm tại Israel; trao đổi với chuyên gia trường Đại học Wollongong (Úc) về hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường; trao đổi hợp tác với Viện Công nghệ Á Châu (AIT), Thái Lan.

Bám sát thực tế nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, không ngừng cập nhật những phương thức giáo dục tiên tiến, chọn lọc những phương pháp đào tạo phù hợp… đang là những nhiệm vụ cốt lõi được trường thực hiện nhằm xây dựng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trở thành trường đại học trọng điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín quốc tế.

Phạm Oanh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội: Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO