Trở ngại vô hình

Ngọc Lý| 27/05/2021 10:21

(TN&MT) - Chưa bao giờ giá bất động sản ở Việt Nam lại đứng ở mức cao như hiện nay. Sau những thất thường của thị trường vàng, rồi chứng khoán, dường như bất động sản đang là sự lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư.

Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ, nhưng xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều.

Câu chuyện giá bất động sản đô thị cứ ngày một tăng cao là một thực tế nhìn thấy. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Trong đó, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng (kéo dài 1 - 2 năm trước, mới được tháo gỡ nhưng chưa có tác động rõ nét) dẫn đến nguồn cung bất động sản hạn chế.

Thêm nữa, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức (thiếu quỹ đất, nguồn vốn hỗ trợ thiếu,…) dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nhiều nơi, hàng loạt dự án chiếm đất để hoang, nhiều khu đô thị mới mọc lên với các căn hộ, khu biệt thự có chủ, nhưng đóng im, không người ở.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi - điều đã được nhắc đến nhiều lần - là do giá bất động sản đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ để các nhà đầu tư, người dân thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; thực hiện mua đi, bán lại, giao dịch trao tay nhiều lần để “đẩy giá”. Cộng thêm việc các địa phương ban hành Bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây, mặc dù chưa tác động trực tiếp làm tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án nhưng cũng có tác động tâm lý đến giới đầu tư bất động sản, đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù đã có những thay đổi cơ bản trong đền bù đất đai giải phóng mặt bằng, nhưng còn những kẽ hở gây ra sự méo mó về giá cả trên thị trường và làm nảy sinh tham nhũng trong công tác quản lý đất đai.

Bất động sản đang là sự lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư.

Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm đến đối tượng là người thu nhập thấp, người dân có nhu cầu thực về nhà ở… nhưng dường như các giải pháp này vẫn gặp phải những trở ngại vô hình. Đã có người thẳng thắn rằng, nếu không hạ được giá bất động sản thì chủ trương phát triển nhà cho người có thu nhập thấp của Chính phủ sẽ gặp khó khăn, người có nhu cầu thực sẽ mãi gặp khó khăn trong tìm mua nhà, và câu chuyện nóng lạnh trên thị trường vẫn tái diễn.

Thực tế cũng cho thấy, dùng biện pháp hành chính để điều tiết thị trường là điều không thể. Đã gọi là thị trường, thì phải có các công cụ về kinh tế. Công cụ hành chính chỉ nên xem như bà đỡ mà thôi. Biết vậy, nhưng chẳng hiểu sao mọi sự vẫn “giậm chân tại chỗ”. Và đằng sau sự chậm trễ của các chính sách, dường như vẫn còn một sự lựa chọn khó khăn bởi các chi phối vô hình để đưa những kế sách từ phòng họp ra thực tiễn thị trường.

Muốn quản lý thị trường tốt cần một định hướng lớn, sự phối hợp của nhiều cấp, ngành về nhu cầu, quy hoạch, hệ thống thông tin, chính sách thuế, phòng chống tham nhũng..., nhưng tiếc thay, chúng ta chưa có sự phối hợp đó.

Những người đã kinh qua các đợt nóng lạnh bất thường của thị trường này thì cho rằng, không bao giờ nhà đầu tư thiệt, chỉ những người có nhu cầu thực sự về nhà ở phải chịu giá “cắt cổ” mà thôi”. Bởi lẽ, để có được những dự án “thành vàng”, những khu đất vốn từ đồng không trống vắng, các nhà đầu tư đã phải “bươn chải” không ít.

Thế nên, rất khó có thể nói hết được nỗi khổ trong đầu tư kinh doanh bất động sản. Cũng rất khó nói hết những bước đi “tế nhị” để có được những khu đất “sau một đêm … thành vàng”. Những mối quan hệ đặc biệt, những kẽ hở của thị trường này đang là dịp để các nhóm lợi ích tung tác chia chác công thổ quốc gia?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở ngại vô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO