Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ

20/05/2019 14:52

(TN&MT) - Chiều ngày 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

IMG 4028
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quốc Khánh

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 08 luât, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội; bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.

Đối với các nội dung liên quan đến Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật  tập trung bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Tương ứng với việc bổ sung các quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm, khoản 1, khoản 4 Điều 120 của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi, bổ sung quy định về ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phụ trợ bảo hiểm; giám sát đối với cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung khoản 9a Điều 124 quy định về hành vi vi phạm quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đảm bảo chế tài thực hiện, Điều 3 của dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này. Trường hợp sau 01 năm không đáp ứng các quy định về điều kiện thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.”

Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề sáng chế (sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ); vấn đề chỉ dẫn địa lý (sửa đổi khoản 1 Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hoá tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam; sửa đổi khoản 3 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ về đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu; bổ sung Điều 120a về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, trong đó xác định việc công bố, xử lý ý kiến cuả người thứ ba, đánh giá khả năng bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý được yêu cầu công nhận và bảo hộ theo điều ước quốc tế được thực hiện theo các quy định tương ứng đối với chỉ dẫn địa lý trong đơn đăng ký được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

Về nhãn hiệu, dự thảo luật cũng bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. Đồng thời, sửa đổi khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu và sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định tại Điều 18.27 của Hiệp định CPTPP về việc không được yêu cầu phải đăng ký để xác định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và phải coi việc sử dụng nhãn hiệu của bên được chuyển quyền được coi là sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu liên quan đến các thủ tục xác lập, duy trì và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu.

Liên quan đến nội dung về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dự thảo Luật tập trung sửa đổi khoản 1 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng bổ sung quy định về cách tính giá trị trong việc quyết định bồi thường thiệt hại để đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.74.4 của Hiệp định CPTPP; bổ sung khoản 4 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng quy định Toà án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện để đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.74.10 của Hiệp định CPTPP; bổ sung khoản 5 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ quy định bồi thường thiệt hại do lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.74.15 của Hiệp định CPTPP. Cùng với đó, sửa đổi khoản 1 Điều 218 Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.76.4 của Hiệp định CPTPP, theo đó quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền của cơ quan hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm dừng trong trường hợp chủ thể quyền không yêu cầu kiểm tra giám sát, nhưng yêu cầu làm thủ tục tạm dừng hải quan và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, trên cơ sở Tờ trình tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO