Triệu Sơn (Thanh Hóa): Ô nhiễm môi trường ở các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng

16/07/2015 00:00

(TN&MT) - Hàng chục cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng tự phát trong các hộ gia đình, đang hằng ngày đầu độc môi trường. Nước thải trong quá trình giặt bao bì đang thải trực tiếp ra sông, ra ao hồ. Phía chính quyền vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng xả thải ra môi trường.

Bắt đầu một ngày làm việc trong cái nắng oi bức của những ngày tháng 7 chúng tôi có mặt tại xã Thái Hòa và tận mắt chứng kiến hàng chục cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng đang hoạt động tấp nập. Người gom bao bì, tách và phân loại, sau đó đem vào máy để giặt.

Qua quan sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở ở đây trang thiết bị đều rất đơn sơ, công nhân làm việc không có bảo hộ lao động. Đặc biệt nước trong quá trình sản xuất đang hàng ngày xả trực tiếp ra môi trường như cơ sở của gia đình ông Nguyễn Công Nam thôn Thái Lâm đang xả thải tực tiếp ra sông Nhơm, cơ sở của gia đình ông Lê Doãn Đoàn thôn Thái Lâm, Cơ sở của ông Lê Đình Khang thôn Thái Yên cũng đang xả thải ra sông Nhơm.. . Ai sẽ đảm bảo cho việc nước thải xả ra môi trường có đạt tiêu chuẩn, vẫn còn là câu trả lời bỏ ngỏ. 

: Cống xả thải từ xưởng sản xuất của hộ gia đình ông Nguyễn Công Nam, thôn Thái Lâm đang chảy trực tiếp ra sông Nhơm.
: Cống xả thải từ xưởng sản xuất của hộ gia đình ông Nguyễn Công Nam, thôn Thái Lâm đang chảy trực tiếp ra sông Nhơm.

Ông Nguyễn Văn H, thôn Thái Lâm bức xúc nói: "Lợi đâu chưa thấy, người dân chúng tôi chỉ thấy những ảnh hưởng trước mắt. Cả làng cả xã thành nơi chứa chất thải, phế liệu tứ xứ đổ về. Xã thông báo trên loa truyền thanh là sớm phấn đấu hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, nhưng thực tế thì ai cũng thấy đấy. Nước thải sau khi giặt rửa bao bì xi măng vẫn đang thải trực tiếp ra sông suối ao hồ, sau mấy chục năm nữa một lượng lớn xi măng đã ngấm vào lòng đất ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước thì không khéo lại ung thư cả làng".

Cũng chung những bức xúc đó ông Bùi Quang T, thôn Thái Yên nói: "Người dân như chúng tôi khổ đủ đường, các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng gây ô nhiễm môi trường cộng thêm với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ 2 trang trại nuôi lợn khiến nhiều hôm chúng tôi không nuốt nổi miếng cơm. Chính quyền và các cấp các ngành phải nhanh chóng vào cuộc để cứu lấy cuộc sống của chúng tôi. Mình sống rồi còn phải nghĩ đến thế hệ con cháu chứ không chỉ thấy cái lợi trước mắt được".

Nước thải chảy lênh láng trong cơ sở giặt rửa bao bì của gia đình ông Lê Đình Cầm, thôn Thái Phong.
Nước thải chảy lênh láng trong cơ sở giặt rửa bao bì của gia đình ông Lê Đình Cầm, thôn Thái Phong.

Liên lạc với ông Lê Bá Triệu – Chủ tịch UBND xã Thái Hòa chúng tôi nhận được câu trả lời: "Tới tháng 7 xã sẽ quy hoạch thành làng nghề, nếu hộ nào không vào thì xã sẽ cắt điện dừng hoạt động. Việc xả thải ra môi trường xã cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị phải làm đúng quy định để đảm bảo".

Bà Nguyễn Thị Xuân – Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: Năm 2013 huyện đã xử phạt 2 cơ sở vì xả thải trực tiếp ra sông. Phòng cũng đã đưa ra kế hoạch thanh kiểm tra tại các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng ở xã Thái Hòa vào kế hoạch của quý 2 năm 2015. Huyện cũng hướng dẫn xã làm tờ trình để quy hoạch làng nghề tập trung để có phương án xử lý nước thải đảm bảo khi thải ra môi trường. Nhưng cũng có nhiều cái khó vì xin quy hoạch làng nghề rất khó mất thời gian trong khi các hộ gia đình đều tự phát sản xuất, nay làm mai nghỉ là chuyện thường. Xã Thái Hòa đã đăng ký hoàn thành tiêu chí nông thôn mới trong năm nay, thế nên bắt buộc xã phải đưa ra được phương án cho các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng để đảm bảo tiêu chí môi trường.

Nước thải, rác thải ứ đọng trong xưởng của gia đình anh Lê Đình Khang, thôn Thái Yên.
Nước thải, rác thải ứ đọng trong xưởng của gia đình ông Lê Đình Khang, thôn Thái Yên.

Vậy không hiểu ông Chủ tịch UBND xã Thái Hòa lấy đâu ra "quy hoạch làng nghề" để khẳng định với phóng viên là trong tháng 7 này sẽ đưa các cơ sở tập trung thành làng nghề nếu không thì sẽ cắt điện?. Người dân cũng như chúng tôi vẫn đang chờ đợi lời hứa từ lãnh đạo xã Thái Hòa, để đó không phải là lời hứa suông!

Thiết nghĩ, UBND huyện Triệu Sơn sớm có phương án giải quyết bài toán ô nhiễm ở các cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng ở xã Thái Hòa.

                                                                                                                               Bài & ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệu Sơn (Thanh Hóa): Ô nhiễm môi trường ở các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO