(TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu đó, việc đầu tiên là phải tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của bà con trong huyện.
PV: Thưa ông! Xin ông cho biết trong thời gian qua công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện như thế nào?
Ông Lã Tuấn Hưng: Trong thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện đã được UBND huyện quan tâm thực hiện: Ngày 06/02/2023, UBND huyện Yên Bình đã ban hành văn bản số 252/UBND-TNMT về việc tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn.
Theo đó, các địa phương, đơn vị tích cực triển khai, hiện nay kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các xã, thị trấn đều do các tổ đội và hợp tác xã thực hiện, kinh phí thu gom được tính toán dựa trên cơ sở thoả thuận giữa các hộ gia đình, cá nhân, các đơn vị sản xuất kinh doanh để thu đảm bảo theo hướng thu đúng, thu đủ của chủ nguồn thải để chi trả cho các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải và một phần chi cho kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thu từ nguồn xã hội hóa như: Người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn huyện tối thiểu là 70% và kinh phí xử lý tối thiểu 30%. Đến năm 2030 chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thu từ nguồn xã hội hóa tối thiểu là 80% và kinh phí xử lý tối thiểu 35%.
Cùng với đó, từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã đầu tư cho Đội vệ sinh môi trường huyện Yên Bình 01 xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác quét đường, 01 xe ô tô ép rác để vận chuyển rác, 65 xe đẩy rác để phục vụ công tác thu gom rác; vận động chính quyền cấp xã đầu tư các xe đẩy rác, thùng chứa rác tại các thôn, tổ dân phố được 45 xe.
UBND huyện ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 22/5/2023 về đầu tư bể thu gom rác thải nguy hại và xe đẩy rác thải, trong đó giai đoạn 2023-2024, UBND huyện đầu tư 284 xe đẩy rác; UBND các xã, thị trấn đầu tư 1.764 bể thu gom rác thải nguy hại.
Đặc biệt, theo Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng công trình Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên và xã Cảm Nhân với công suất xử lý 1,0 tấn/giờ. Hiện nay, hai lò đốt đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến vận hành thử nghiệm vào tháng 11 năm 2023.
PV: Vậy thưa ông, đối với những nơi dân cư thưa thớt, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện như thế nào?
Ông Lã Tuấn Hưng: Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình được UBND các xã chỉ đạo về các thôn, bản. Theo đó, mỗi hộ gia đình, cá nhân tự thực hiện bằng hình thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, đối với chất thải rắn sinh hoạt dễ phân huỷ được các hộ gia đình chôn lấp tại các hố chôn rác có sẵn tại gia đình, một phần được người dân tự đốt hoặc ủ làm phân bón vi sinh, còn đối với rác thải tái chế sẽ được thu gom bán phế liệu hạn chế thải ra môi trường.
PV: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định người dân phải phân loại rác thải tại nguồn trước khi thải ra môi trường. Về nội dung này huyện đã triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lã Tuấn Hưng: Hiện nay, huyện Yên Bình đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2023, chính vì vậy công tác bảo vệ môi trường luôn được huyện quan tâm, trong đó có công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện nay, tổng số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 50 tấn/ngày, khu vực đô thị khoảng 20 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 30 tấn/ngày.
Để công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả, UBND huyện đã ban hành văn bản số 1513/UBND-TNMT ngày 30/5/2023 về việc hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cụ thể: Đối với các khu vực có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung vận động người dân phân loại rác tại nguồn bằng cách mỗi hộ gia đình bố trí 2 thùng đựng rác để phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, sau đó chuyển ra các thùng hoặc xe chứa rác để các tổ thu gom rác vận chuyển về nơi tập kết và đưa đi xử lý theo quy định.
Còn tại các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung tuyên truyền, vận động người dân đào 2 hố rác tại gia đình để xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp.
Hiện huyện đã lựa chọn xã Tân Hương tham gia vào mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quyết định của UBND tỉnh Yên Bái nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý đối với CTRSH trên địa bàn huyện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao sự hài lòng về môi trường sống và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.
Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cũng như lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường tới các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và người dân trên địa bàn huyện; hạn chế sử dụng các loại túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy trong sinh hoạt.
PV: Thưa ông, trong thời gian tới để làm tốt hơn nữa việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, huyện có kế hoạch như thế nào?
Ông Lã Tuấn Hưng: UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân hiểu, chấp hành và thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý CTRSH trên địa bàn cấp xã.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!