Triển khai công tác dân tộc giai đoạn mới: Tập trung vào các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù

Ngọc Trâm | 15/06/2021, 15:52

(TN&MT) - Tại Phiên họp mở rộng để thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 cho Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Nguyễn Lâm Thành cho rằng, để các Chương trình đạt hiểu quả, cần cân nhắc về phạm vi, đối tượng và tập trung vào các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù và tăng cường sự giám sát của người dân.

Phiên họp mở rộng do Thường trực HĐDT của Quốc hội tổ chức. Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐDT và ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có các Phó Chủ tịch, thành viên HĐDT, đại diện các Bộ, ngành liên quan. Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải và lãnh đạo một số Vụ, đơn vị tham dự.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: cema.gov.vn

Theo báo cáo tóm tắt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, địa bàn đầu tư của Chương trình MTQG là 6.516 xã và 594 đơn vị cấp huyện của cả nước. Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM, 50% số huyện, thị xã, thành phố của cả nước hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện tại địa bàn khoảng 200 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khoảng 70 huyện nghèo. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, giảm 50% số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều quốc gia, riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 4 - 5%/năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Cùng đó là các giải pháp và tiêu chí nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, trợ giúp xã hội bằng các Dự án thành phần.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, và làm rõ phạm vi, địa bàn, đối tượng thụ hưởng, sự tương thích của 2 Chương trình so với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; sự phù hợp, tính khả thi của các dự án thành phần, tính bền vững, cơ cấu nguồn vốn, mức độ hợp lý, khả năng đảm bảo; cơ chế, chính sách bảo đàm, cơ chế thực hiện các chương trình. Các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với các dự án thành phần của 2 Chương trình. Một số ý kiến cho rằng, cần đưa các xã ĐBKK vùng DTTS là ưu tiên số 1, tránh trùng lặp về thời điểm đầu tư. Coi trọng vấn đề quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, cần có đột phá để thay đổi bởi công tác này còn phân tán...

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: cema.gov.vn

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cũng tán thành với các dự án thành phần của hai Chương trình MTQG trên, đồng thời khẳng định: Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng: Cần đặt 2 chương trình trên bên cạnh Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho phù hợp, để 3 chương trình cài xen nhau phát huy hiệu quả. Để đảm bảo cho các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả, phải có sự giám sát chung cho cả 3 chương trình với việc tăng cường sự giám sát của người dân. Điều này cũng là góp phần giảm thiểu tình trạng có nguồn tiền hỗ trợ nhưng không thực hiện được. Bên cạnh đó, cần cân nhắc về phạm vi, đối tượng. Tập trung vào các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, các dự án nhỏ. Để đảm bảo cho các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả, phải có sự giám sát chung cho cả 3 chương trình với việc tăng cường sự giám sát của người dân. Điều này cũng là góp phần giảm thiểu tình trạng có nguồn tiền hỗ trợ nhưng không thực hiện được.

Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, về Chương trình giảm nghèo, cần lưu ý vấn đề an sinh xã hội, có thể tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi mục tiêu giảm nghèo để đảm bảo tính khả thi của chương trình. Trong tiếp cận Chương trình, cần phân cấp, giảm dần bao cấp từ phía Nhà nước, tập trung đào tạo nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đưa ra các khung chính sách để các địa phương có cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu phù hợp với điều kiện khả năng, nguồn lực cơ sở.

Mặt khác, Phó Chủ tịch HĐDT cũng đề nghị đưa ra hệ số về phân bổ nguồn lực, cơ cấu nguồn tín dụng cho phù hợp; chú trọng bổ sung nguồn lực cho các xã ĐBKK, lưu ý đến giảm nghèo ở vùng miền núi. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng miền núi. Đối với thực hiện Nông thôn kiểu mẫu, duy tu bảo dưỡng ở vùng nông thôn nên để cho địa phương quyết định. Liên quan đến các chỉ tiêu đặt ra thì Bộ, ngành, địa phương cần rà soát sao cho phù hợp.

Bài liên quan
  • Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu người dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Theo Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được Hội đồng Bầu cử quốc gia thông qua kèm theo Nghi ̣quyết số 748/NQ-HĐBCQG, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó, có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Quảng Ngãi: Phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 23/11, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với báo Văn Hóa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO