Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 19/1.
Với tổng vốn đầu tư gần 138.000 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên Chương trình được ban hành, một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cao đối với chính sách dân tộc và luôn luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhất là niềm mong mỏi về sự phát triển của tất cả các dân tộc trên cả nước.
Ngoài Chương trình trên, năm 2022 còn có một loạt chương trình lớn sẽ được triển khai, gồm Chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, theo tinh thần phân cấp, phân quyền, do đó nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương sẽ rất nặng nề, trong đó có việc phải bảo đảm giải ngân đúng tiến độ của cả 4 chương trình.
Với khối lượng công việc đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương phải khẩn trương kiện toàn BCĐ các chương trình MTQG các cấp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, 41/51 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có Ban Dân tộc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo các tỉnh không có Ban Dân tộc thì phải có sự phân công, phân nhiệm hết sức rõ ràng để triển khai Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Đối với các kiến nghị của Ủy ban Dân tộc và các địa phương đối với Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, KH&CN, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, xử lý, tham mưu xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sớm có văn bản trả lời các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, hệ thống các chính sách dân tộc ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, bám sát thực tiễn; đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.
Các chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, như kịp thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề; bố trí sắp xếp, ổn định dân cư; cấp phát báo, tạp chí; xuất cấp gạo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc thiểu số ít người…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là về đời sống của bà con đồng bào, tình hình tiên tai, dịch bệnh, di cư, các điểm nóng về an ninh trật tự… trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời có những chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định cuộc sống, bảo vệ an toàn sức khỏe và tài sản của nhân dân.
Tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; nâng cao vai trò của Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân hiểu rõ và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh trợ giúp pháp lý, tư pháp, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dân tộc nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, giao lưu cộng đồng các dân tộc thiểu số với các nước trong khu vực.