Trễ hẹn đến bao giờ?

Phương Anh | 17/11/2020 13:13

(TN&MT) - Nhiều dự án cầu đường và hạ tầng kỹ thuật đã được bố trí vốn nhưng lại chậm hoặc khó giải ngân đã phần nào phản ánh được sự yếu kém của các cá nhân, tập thể khi được giao sử dụng nguồn vốn này.

Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, nhất là đối với năm 2020, đất nước vừa trải qua Covid-19.

Cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Những dự án nghìn tỷ khó về đích

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải trong năm 2020. Đáng chú ý là bốn dự án giao thông đường bộ không thể hoàn thành xây dựng trong năm 2020 gồm: cầu Thủ Thiêm 2, bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao thông Mỹ Thủy và dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong đó, Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối Quận 1 và Quận 2) có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng đã thi công đạt 70% khối lượng. Hiện, dự án còn vướng đền bù giải tỏa 11.114 m2 đất nhà máy Ba Son, 1.607 m2 đất của Bộ Tư lệnh Hải Quân và 158,7 m2 đất do Văn phòng Chính phủ quản lý.

Dự án xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 12.000 tỷ đồng, đã thi công đạt 85% khối lượng. Hiện, dự án đang tạm ngưng thi công do một số vị trí vướng mặt bằng chưa được giải tỏa.

Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2) có mức đầu tư giai đoạn một là 838 tỷ đồng và giai đoạn hai là 1.435 tỷ đồng, đã thi công đạt 45% khối lượng. Hiện, các hạng mục xây dựng các nhánh đường quanh nút giao đang tạm dừng thi công để chờ giải phóng mặt bằng.

Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có vốn đầu tư là 472,9 tỷ đồng đã thi công được 35% khối lượng. Dự án bị chậm tiến độ do chủ đầu tư chưa giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công dự án.

Rõ ràng trong bối cảnh hệ thống hạ tầng còn yếu kém, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn, cần nhanh chóng được cải thiện, việc không ít dự án dù đã được bố trí vốn nhưng lại chậm giải ngân thực sự khiến nhiều người thất vọng, thậm chí, bất bình.

Với tình hình vốn ngân sách eo hẹp cần phải sử dụng thật hiệu quả nguồn lực từ ngân sách và dứt khoát không để tiếp diễn tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước bị tồn đọng, nơi cần không có vốn, nơi được cấp vốn lại không biết sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Kỷ luật giải ngân

Sau mỗi lần “trễ hẹn”, các cơ quan liên quan đều liệt kê ra hàng loạt những khó khăn, vướng mắc từ khâu cơ chế chính sách đến hạ tầng cơ sở... để bào chữa cho sự chậm trễ. Đương nhiên, những lý do được đưa ra không phải là không có cơ sở, song đó không phải là nguyên nhân chính khiến các dự án này mãi không thể về đích đúng hạn.

Không để tiếp diễn tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước bị tồn đọng

Thực tế, nguyên nhân phổ biến của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư cho các công trình giao thông, đô thị ở nhiều ngành, địa phương là xuất phát từ sự yếu kém về năng lực và ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và chủ đầu tư trong việc quản lý điều hành dự án. Đó là sự thiếu tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ và tháo gỡ vướng mắc; chưa tích cực triển khai các thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán; không đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh để đẩy nhanh tiến độ, đến những tháng cuối năm mới hối hả chạy theo chỉ tiêu, tranh thủ sử dụng cho hết vốn ngân sách được duyệt chi. Chưa kể, truyền thông để tạo sự đồng thuận trong nhân dân bàn giao mặt bằng đã không được chú trọng, dẫn đến việc người dân phản ứng mỗi khi có dự án đi qua.

Còn nhớ, tại Phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công ngày 16/7/2020, khi đề cập thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiều địa phương còn trì trệ, không quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn bất cập trong giải ngân vốn các dự án đầu tư công. Cần phải “sờ gáy” những người làm trực tiếp, chứ chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Chỉ khi từng cá nhân, tập thể ý thức đầy đủ được vai trò trách nhiệm của mình, tình trạng đưa nguồn vốn vào các công trình hạ tầng giao thông đô thị mới được nhanh chóng và phát huy tác dụng; góp phần giải quyết các yêu cầu bức thiết về ăn ở, đi lại, sinh hoạt của người dân ở các đô thị hiện nay.

Rõ ràng khi nào câu chuyện trách nhiệm được nhìn nhận một cách đầy đủ và minh bạch nhất, mới có thể hy vọng giải quyết được dứt điểm căn bệnh chậm giải ngân vốn ngân sách vào các công trình giao thông đô thị chậm tiến độ như hiện nay,  góp phần ngăn chặn tình trạng đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Khó tiêu hết 523.630 tỷ vốn đầu tư công

Trong một báo cáo của Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ mới đây cho thấy, dù tốc độ giải ngân đã nhanh hơn nhưng thực trạng giải ngân đầu tư công hiện nay rất chậm.

Cụ thể, tính đến 23/10/2020, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của 52/53 Bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 54/54 báo cáo phân bổ vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia của các đơn vị. Tổng số vốn đã phân bổ là 523.650 tỷ đồng, đạt 109,53% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (478.105 tỷ đồng).

Về kết quả giải ngân, báo cáo cho biết, lũy kế thanh toán đến 30/9, đạt 53,36% kế hoạch, ước 10 tháng đạt 60,37% kế hoạch. Trong đó, đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.495,39 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 30/9 đạt 56,99% kế hoạch; ước thanh toán 10 tháng đạt 63,38% kế hoạch. Đối với kế hoạch vốn năm 2020, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đạt 60,14% và ước 10 tháng đạt 68,26% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2020.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2020, với tốc độ giải ngân hiện nay, nhiệm vụ giải ngân hết số vốn đã phân bổ 523.630 tỷ là rất khó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trễ hẹn đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO