Tranh chấp rừng Cty Trường Thành: Vì sao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa thực hiện được?

16/04/2016 00:00

(TN&MT) – Cty CP trồng rừng Trường Thành (Cty Trường Thành) hiện đang khởi kiện đòi bồi thường và tranh chấp rừng trồng với ông Võ Văn Nam ở thôn Giang Thịnh, xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắk Lắk tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Krông Năng. Trên cơ sở đơn yêu cầu của Cty Trường Thành, (TAND) huyện Krông Năng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) để đảm bảo việc thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật. 

Rừng tranh chấp đang bị ông Võ Văn Nam thuê người vào khai thác
Rừng tranh chấp đang bị ông Võ Văn Nam thuê người vào khai thác

Từ quyết định đến thực tiễn

Tại quyết định số 01/2016/QĐ-BPKCTT, ngày 21/3/2016 về việc (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: Cấm ông Võ Văn Nam thực hiện các hành vi khai thác, chặt, phá rừng trồng; thuê, nhờ người khác khai thác, chặt phá rừng trồng tại các tiểu khu 314a và 314b thuộc địa phận các xã Ea Tam và Cư Klong, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng đất số AO189140 và AO189091 ngày 31/12/2008 cho Cty CP trồng rừng Trường Thành chờ quyết định giải quyết của (TAND) huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Quyết định này có hiệu lực pháp luật thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định này đã được tống đạt đến các đương sự và các cơ quan chức năng để thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Thế nhưng thực tế bản thân ông Võ Văn Nam đã không chấp hành. Trong nhiều ngày qua, ông Nam vẫn thuê người với giá 200.000đồng/ngày để khai thác gỗ keo trên diện tích rừng trồng đang bị (ADBPKCTT) tại tiểu khu 314b. Ngày 12/4, khi phóng viên có mặt tại hiện trường đang có 4 nhóm thợ dùng cưa máy để khai thác gỗ. Gỗ khái thác đến đâu được bốc lên máy kéo đưa về đến đó. Hiện trường rừng còn lại là gốc cây trơ trọi và giá trị rừng đang bị suy giảm vì đã bị khai thác nhiều gỗ.

Ông Võ Văn Nam (áo xanh) đang trao đổi với phóng viên Báo TN&MT điện tử
Ông Võ Văn Nam (áo xanh) đang trao đổi với phóng viên Báo TN&MT điện tử

Làm việc với phóng viên vì sao không chấp hành quyết định (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng, ông Võ Văn Nam cho biết: "Hiện Cty Trường Thành đang tranh chấp rừng với tôi là 78,7ha, trong khi đó tổng diện tích của tôi đã trồng là 188ha (theo hợp đồng thuê đất 50 năm) nên tôi không đồng ý với việc tòa án (ADBPKCTT) trên toàn bộ diện tích 188 ha. Hiện nay, tôi đang khiếu nại quyết định này của tóa án. Chính vì vậy, hàng ngày tôi vẫn đưa người vào diện tích rừng đã trồng để khai thác. Còn 78,7 ha rừng mà Cty Trường Thành đang khởi kiện tôi đã khai thác hết từ năm 2013. Đến năm 2014, Cty Trường Thành mới có đơn khởi kiện. Chính vì vậy quyết định (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng là không đúng thực tế nên tôi không thi hành".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuận – Quyền Tổng giám đốc Cty CP trồng rừng Trường Thành cho biết: "Hiện nay công ty đang khởi kiện ông Võ Văn Nam yêu cầu bồi thường 1.857.700.000đồng cho Cty Trường Thành vì ông Võ Văn Nam đã khai thác gỗ keo trên diện tích 47,8ha rừng trồng của công ty. Đồng thời, Cty cũng yêu cầu Tòa án buộc ông Võ Văn Nam chấm dứt ngay hành vi khai thác trái phép  đối với diện tích rừng của công ty đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng đất tại tiểu khu 314a và 314b. Khi thấy ông Võ Văn Nam vẫn tiếp tục khai thác gỗ trên diện tích rừng của Cty, chúng tôi đã làm đơn yêu cầu tòa án (ADBPKCTT) cấm ông Nam có hành vi khái thác gỗ trên cả hai tiểu khu 314a và 314b rừng trồng tại xã Ea Tam và xã Cư Klong, huyện Krông Năng mà Cty đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng đất. Thế nhưng, ông Võ Văn Nam vẫn không chấp hành mà vẫn tiếp tục đưa người vào khai thác gỗ trên diện tích rừng đã được (ADBPKCTT) là điều đáng tiếc và vi phạm pháp luật vì không thi hành quyết định của tòa án".

Ông Nguyễn Đức Thuận (áo carô) đang trao đổi với phóng viên Báo TN&MT điện tử
Ông Nguyễn Đức Thuận (áo carô) đang trao đổi với phóng viên Báo TN&MT điện tử

Ông Nguyễn Đức Thuận chia sẻ: "Về phía Cty Trường Thành chỉ có một yêu cầu là ông Nam phải dừng ngay việc khai thác gỗ trên hai tiểu khu 314a và 314a để chờ tòa án giải quyết. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu tòa tuyên quyền sở hữu rừng thuộc về ông Nam thì lúc đó khai thác chẳng ai đến để tranh chấp. Còn nếu tòa phán quyết rừng thuộc về Cty Trường Thành thì Cty khái thác để việc thi hành án được thuận lợi, tránh thiệt hại cho Cty. Cũng chính vì nêu cao ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật nên Cty Trường Thành đã không đưa công nhân vào khai thác gỗ trên phần rừng đang tranh chấp như ông Võ Văn Nam vẫn đang làm".

Giá trị pháp lý và thi hành quyết định

Về việc (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng, ông Trần Duy Đức, thẩm phán thụ lý vụ án cho biết: "Trên cơ sở đơn khởi kiện của Cty Trường Thành tòa án đã xem xét kỹ lưỡng, khảo sát thực tế mới ra quyết định. Theo quy định của pháp luật, khi ban hành quyết định (ADBPKCTT) thì thẩm phán thụ lý vụ án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu xét thấy không hợp lý, không đúng với thực tế thì ông Võ Văn Nam có quyền khiếu nại lên Chánh án (TAND) huyện Krông Năng để được xem xét giải quyết. Còn quyết định (ADBPKCTT) có hiệu lực pháp luật ngay thì mọi công dân, cơ quan, tổ chức phải thi hành cho đến khi nó được hủy bỏ" - ông Trần Duy Đức nhấn mạnh.

Làm việc với chính quyền sở tại, ông Đinh Công Hưởng - Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: "Không chỉ đến bây giờ Đảng ủy mới chỉ đạo cho UBND xã kiểm tra yêu cầu Cty Trường Thành và ông Võ Văn Nam không được khai thác, xâm hại làm biến dạng rừng trồng. Ngay từ năm 2009, khi mới xảy ra tranh chấp, với cương vị là chủ tịch UBND xã Ea Tam, tôi đã nhiều lần đến hiện trường yêu cầu các bên có tranh chấp phải dừng ngay việc khai thác gỗ rừng trồng để chờ các cơ quan có chức năng giải quyết. Kết quả giải quyết nếu rừng thuộc về bên nào thì bên đó khai thác cũng chưa muộn. UBND xã Ea Tam đã nhận được nhiều văn bản của UBND huyện Krông Năng về việc cấm các bên khai thác gỗ trên rừng trồng đang tranh chấp. Thế nhưng, trong những năm qua ông Nam vẫn tiến hành khai thác gỗ đã làm cho tình hình thêm phức tạp, thậm chí các bên còn xảy ra xô xát gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Điều chính quyền địa phương mong muốn là các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp này để việc trồng và khai thác rừng sản xuất đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích về kinh tế và môi sinh, môi trường".

Những cây gỗ keo đã bị chặt hạ ngổn ngang
Những cây gỗ keo đã bị chặt hạ ngổn ngang

Làm việc với ông Nguyễn Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Năng cho biết: "Sau khi có quyết định (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng, ngày 25/3/2016, tôi đã ban hành quyết định số 548 về việc thi hành án chủ động và đã tống đạt đến ông Võ Văn Nam yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành quyết định (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng. Song thực tế, ông Nam vẫn không chấp hành, điều này Chi cục thi hành án dân sự cũng không thể vào rừng để giữ được".

" Nếu trường hợp ông Võ Văn Nam vẫn tái diễn việc khai thác gỗ trên diện tích đã được (ADBPKCTT) thì bên nguyên đơn là Cty Trường Thành báo với chính quyền địa phương, công an xã Ea Tam và công an huyện Krông Năng để được giải quyết theo quy định của pháp luật như việc: Cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế giao tài sản cho bên được thi hành án nhưng bị bên phải thi hành án tái chiếm "- ông Nguyễn Văn Hải giải thích.

Tại điểm đ, khoản 5, điều 52, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ghi rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

Thế nhưng việc này Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk chưa thực hiện đối với đương sự không chấp hành quyết định (ADBPKCTT) của (TAND) huyện Krông Năng. Do đó, việc xử lý tiếp theo cũng đang bị vướng, các cơ quan chức năng khác cũng chưa thể vào cuộc vì cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện hết quy trình về thi hành án dân sự.

     Bài & ảnh: Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp rừng Cty Trường Thành: Vì sao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa thực hiện được?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO