Trăn trở trước rủi ro do biến đổi khí hậu

Bài và ảnh: Linh Nga| 25/05/2020 05:57

(TN&MT) - Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên tình trạng sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn và hạn hán trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có diễn biến phức tạp, điều đó không chỉ làm cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương.

Nhiều rủi ro

Nhiều nông dân ở huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc cho biết, trước đây, sản xuất lúa là thu nhập chính của gia đình, nhưng 5 năm trở lại đây, do nước biển dâng nên ruộng lúa bị xâm nhập mặn, nhiều diện tích phải bỏ hoang, mặc dù các hộ đã dùng cách khử mặn, đem giống lúa kháng mặn về gieo trồng nhưng không hiệu quả. Còn các gia đình trồng hoa màu, tiêu, thanh long… cũng đang gặp phải khó khăn do tình trạng khô hạn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng.

anh-1.-nang-nong-lien-tuc.jpg
Nắng nóng liên tục kéo dài, khiến cho mực nước ở các hồ tại huyện Châu Đức đang bị hạ thấp, không đủ nước cung cấp tưới tiêu cho cây trồng

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn biến rất phức tạp, cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc đường bờ biển ở một số khu vực trong tỉnh lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, từ 2 mét/năm trước đây lên đến 30 mét/năm, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của BĐKH.

Tăng cường giải pháp ứng phó

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu chớm chuyển sang trạng thái khô hạn. Còn các dòng sông trên địa bàn tỉnh cung cấp nước cho toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu là những sông nội tỉnh, ngắn và có lưu vực nhỏ. Tuy vậy, xu thế bán khô hạn vẫn tiếp tục gia tăng do BĐKH thì tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt là điều khó tránh khỏi.
Theo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận thức được ảnh hưởng của BĐKH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng chương trình hành động về môi trường và BĐKH. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH; giao Sở TN&MT chủ trì, xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung triển khai Dự án “Nâng cao nhận thức và kỹ năng của tuyên truyền viên về BĐKH của các tổ chức chính trị xã hội”.

anh-2.-bien-xam-thuc.jpg
Tình trạng biển xâm thực ngày càng mạnh khiến cho nhiều diện tích đất nông nghiệp ven biển bị thu hẹp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Cũng theo Sở TN&MT, hiện tại, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh quy hoạch đất các đô thị, khu vực dân cư nông thôn, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở đất và nước biển dâng; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng cách trồng thêm rừng ngập mặn; đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và UBND các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển như: kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở; tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, người đồng bào dân tộc thiểu số, về bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với BĐKH đang ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 28 dân tộc thiểu số (chiếm gần 3% dân số toàn tỉnh), với 7.434 hộ, 31.722 nhân khẩu. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ, với ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở trước rủi ro do biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO