Trăn trở thị trường nhân lực

Ngọc Lý| 25/06/2020 14:24

(TN&MT) - Chuẩn bị kết thúc một năm học, cũng có nghĩa một thế hệ mới ra trường, bước vào đời. Trong cả trăm nghìn lao động trẻ ấy, bao nhiêu người nhẹ nhàng trong tìm việc làm, bao nhiêu người lận đận trước ngưỡng cửa đầy thử thách của cuộc sống?

Câu hỏi vẫn trĩu nặng trên vai các nhà quản lý và các nhà giáo dục. Trong khi đó, thị trường nhân lực vẫn khan hiếm. Các nhà tuyển dụng luôn kêu trời trước đông đảo ứng viên.

Nghịch lý ấy đang thực sự là điều đáng báo động trước chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.

Báo cáo Xu hướng Việc làm Toàn cầu cho Thanh niên năm 2020 (GET 2020) chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương liên tục tăng kể từ năm 2012 và được dự báo tăng lên mức 14,1% vào năm 2020 so với mức 13,7% trên toàn cầu.

Trước năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Báo cáo của GET 2020 cho thấy, thanh niên có việc làm trên toàn cầu phải đối diện với nguy cơ mất việc do tự động hóa lớn hơn so với lao động lớn tuổi và những người tốt nghiệp trường đào tạo nghề là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương (ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tỷ lệ này là 24,4% năm 2020, so với mức 22,3% trên toàn cầu). Điều này thể hiện những kỹ năng nghề chuyên ngành được đào tạo có xu hướng nhanh lỗi thời hơn so với những kỹ năng đào tạo cơ sở. Báo cáo đặt ra vấn đề là, các chương trình đào tạo nghề cần phải được điều chỉnh và cập nhật để có thể đáp ứng những yêu cầu liên tục thay đổi của nền kinh tế số.

Ảnh minh họa

Thực tế này, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Các số liệu thống kê cho thấy, số sinh viên ở Việt Nam ra trường chỉ vài chục phần trăm đáp ứng yêu cầu hoặc làm đúng ngành nghề được đào tạo. Điều đó thể hiện, thị trường đào tạo nhân lực của Việt Nam ít nhất ba vấn đề nghiêm trọng. Một là, chất lượng đào tạo hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau bốn năm học ở bậc Đại học, đã thấp đến nỗi hơn một phần tư sinh viên sau khi ra trường từ một đến năm năm vẫn chưa tìm được việc làm. Hai là, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Ba là, với người lao động không qua đào tạo (hoặc làm trái với nghành nghề được đào tạo) nguy cơ thất nghiệp luôn thường trực, khiến họ phải chấp nhận làm bất cứ việc gì, kể cả nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Tình trạng mất cân đối trong đào tạo, sử dụng, dẫn đến một thực trạng là: Khả năng đáp ứng của nền giáo dục với nhu cầu của thị trường lao động không tương thích. Nhiều nhà quản lý đặc biệt lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian tới. Bởi lẽ đây chính là nguồn nội lực của nền kinh tế, của mỗi doanh nghiệp.

Ông Sukti Dasgupta, Trưởng ban Chính sách Việc làm và Thị trường Lao động thuộc Vụ Chính sách Việc làm của ILO, cho biết: “Không tạo đủ việc làm cho những thanh niên này đồng nghĩa với việc tiềm năng của hàng triệu con người chưa được khai thác đúng mức... Chúng ta không thể lãng phí tài năng hay lơ là việc đầu tư vào sự nghiệp giáo dục nếu chúng ta muốn ứng phó được những thách thức mà công nghệ, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nhân khẩu học đặt ra. Chúng ta cần có những khung chính sách tích hợp và những hệ thống đào tạo chủ động thích ứng được xây dựng trên cơ sở đối thoại giữa các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động”.

Phát triển kinh tế phải gắn với thúc đẩy an sinh xã hội, phải thu bớt khoảng cách giàu nghèo, đó là mong muốn của bất cứ quốc gia nào. Nếu kinh tế phát triển mà một bộ phận người lao động không được quan tâm đúng mức thì sự phát triển ấy chỉ đem lại lợi ích cho một số người. Kinh tế tăng trưởng mà tỷ lệ nghịch với nó là sự xuống cấp của môi trường sống, một bộ phận người dân không có được một “công việc tử tế” để nuôi sống bản thân, gia đình và phục vụ xã hội thì phải xem lại tính bền vững của sự tăng trưởng ấy.

Chính bởi vậy, việc tập trung đào tạo đội ngũ lao động lành nghề trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Nói rộng hơn, cũng giống như con thuyền ra khơi, ngoài người thuyền trưởng đứng mũi chịu sào, rất cần có một đội ngũ thủy thủ tinh nhuệ để cùng đồng tâm chèo lái. Ấy cũng là điều hết sức quan trọng với các doanh nghiệp để thoát khỏi cảnh làm thuê, để người lao động không phải nhọc nhằn trong các môi trường độc hại, trên các phương tiện, thiết bị lạc hậu, cũ nát.

Và đó cũng là một yếu tố sống còn cho sự phát triển, là cơ sở để chúng ta xây dựng các nền tảng xã hội vững chắc.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở thị trường nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO