Giấc mộng trầm hương
Tìm đến vùng cao Trà Bồng – nơi từng được xem là “thủ phủ” dó bầu của tỉnh Quảng Ngãi, phải dò hỏi nhiều người dân bản địa, chúng tôi mới tìm ra một vài hộ dân còn giữ cây dó. Một phần dó bầu đã bị chặt phá khi không mang lại hiệu quả kinh tế, một phần bị ngã đổ do những cơn bão hồi cuối năm ngoái.
Ông Hồ Tấn Lĩnh đã ôm mộng đổi đời từ dó bầu 20 năm nay |
Ông Hồ Tấn Lĩnh (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) được biết đến là người “kỳ cựu” trong trồng dó bầu. Vườn nhà ông Lĩnh hiện có chừng trăm cây dó bầu ngoài 20 năm tuổi. Đưa chúng tôi ra góc vườn, nơi có những cây thân dó bầu to khoảng một vòng tay ôm, ông Lĩnh kể: 20 năm trước, khi bước vào tuổi 40, ông đã rong ruổi khắp các chốn núi rừng của Trà Bồng, trèo lên đỉnh Cà Đam để “săn” dó bầu. Thời ấy, toàn phải đi bộ, trèo đèo lội suối, rừng thiêng nước độc cũng không cản được bước chân của ông Lĩnh để kiếm dó bầu với hi vọng đổi đời.
Rồi ông Lĩnh cũng trồng được khoảng vài trăm cây dó bầu. Chăm bón, thuốc thang, bao nhiêu tâm sức ông dồn vào những cây dó. Nhiều năm trôi qua, niềm hy vọng cứ hao mòn dần khi không thấy cây nào tỏa mùi thơm như mong muốn.
“Cách đây 3 năm, thương lái tới hỏi mua cây với giá 1 triệu để bơm hóa chất tạo dầu nhưng tôi lắc đầu từ chối. Tiền tiêu rồi cũng hết hết nên cứ để lại. Tôi đã thuê thợ về khoan các lỗ trên thân dó bầu. Cái lỗ này kiến nó chui vào ở thì sẽ tạo dầu. Mật ong bình thường không dám uống vì tiếc tiền, thế mà lại mua về đổ trong mấy cái lỗ này để dụ kiến, nhưng cũng chẳng thấy đâu”, ông cười buồn.
Ông Hồ Tấn Lĩnh đặt nhiều hy vọng vào cây dó bầu có các lỗ hình thành tự nhiên trên thân |
Ông Hồ Văn Đơn, người cùng thôn với ông Lĩnh cũng trồng hơn trăm cây dó bầu, bao năm vật lộn với giấc mơ thành “tỷ phú”. Vườn dó bầu chỉ còn sót lại khoảng 20 cây.
Là người con của núi rừng nên ông Đơn hiểu giá trị thực của trầm hương. Trầm tự nhiên trong rừng thường là ở những cây dó cả trăm năm tuổi, bị gãy đổ, thương tích, kiến tha vô làm tổ, tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, lâu ngày tinh dầu kết tinh thành trầm, kỳ nam. Mấy năm nay, có thương nhân đến muốn mua lại vườn dó bầu của ông để bơm dầu nhưng ông không đồng ý. Ông bảo, vài triệu cây mới tìm được một cây có trầm, không dễ gì có trầm hay chích thuốc tạo ra trầm. Có cấy hóa chất nếu đạt cũng cho ra loại trầm kém chất lượng.
Ông Hồ Văn Đơn bên một cây dó hơn 20 năm tuổi bị bão xô bật gốc |
“Thương lái mua rẻ lắm, chưa được 1 triệu/ 1 cây mà mình chăm bón gần 20 năm nay rồi. Mình nghĩ bán cây chẳng được bao nhiêu tiền, rồi cũng tiêu hết nên cứ để lại. Trong số cây này, chỉ cần một cây tạo được dầu là mình lời to, ít thì vài trăm triệu, nhiều thì tiền tỷ. Giờ mình già yếu rồi, đời mình chắc không được hưởng, thì thôi cứ để đó, sau này con cháu sẽ hưởng”, ông Đơn chép miệng.
Dang dở giấc mơ
Hơn 20 năm trước khi những câu chuyện về những phu rừng trúng trầm, sau một đêm thành tỷ phú. Người người đổ xô vào rừng ráo riết đào bới săn sản vật vô giá của rừng già. Khi sản phẩm tự nhiên cạn kiệt, hàng nghìn gia đình đã đổ xô trồng dó bầu. Lúc bấy giờ, dó bầu được kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân miền núi. Riêng tại xã Trà Sơn, tất cả các thôn đều trồng dó bầu. Hầu như nhà nào cũng có trồng, ít thì vài chục, nhiều thì cả ngàn cây.
2 thập kỷ trôi qua, cây dó bầu vẫn còn đó nhưng giấc mộng tỷ phú dường như đã xa vời bởi trầm hương không thấy đâu. Khi giấc mơ chưa trở thành hiện thực, hàng ngày ông Lĩnh và ông Đơn vẫn phải nặng gánh mưu sinh. Ngoài nương rẫy, ông còn đào ao nuôi cá và trồng thêm nhiều loại cây khác trong vườn nhà. Cuộc sống kham khổ nhưng chưa bao giờ họ có ý định “bán lúa non” niềm hy vọng của mình.
Một khu vực trồng gió bầu đã bị san phẳng. |
Trong khi nhiều người vẫn còn nuôi giấc mộng đổi đời từ trầm hương thì ông Hồ Văn Chân (thôn Bắc 2, xã Trà Sơn) đã tiêu tan hy vọng. Chỉ tay vào bãi đất trồng đã được cào bằng, san phẳng, còn lại vài bộ rễ cây dó bầu nằm chỏng chơ, ông Hồ Văn Chân bảo ở đây chỉ toàn thấy bán cây chứ chưa từng thấy tạo được trầm. “Mãi không thấy trầm đâu, lại thêm gió bão nên cây đổ ngã hết. Thế là tôi chặt bỏ luôn, cái vườn trồng dó, cũng mới vừa thuê xe san phẳng”, ông chia sẻ.
Trà Sơn từng là vùng đất của dó bầu |
Theo ông Đinh Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, cây dó bầu mà sản phẩm đặc biệt của nó là trầm hương và kỳ nam đã có lịch sử rất lâu đời. Nhiều người cứ nghĩ trồng cây dó đến 7-8 năm tuổi có thể khoan rồi cho axít hoặc chế phẩm sinh học đợi vài năm sau tạo trầm, sẽ thành tỷ phú. Vài chục năm trước, phong trào trồng dó bầu phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp các xã miền núi. Cây phát triển tốt nhưng không tạo ra trầm.
“Tại Trà Sơn, tất cả các thôn đều trồng dó bầu, nhưng đến nay vẫn chưa ai tạo được trầm từ cây dó bầu, người chặt bỏ để chuyển sang trồng keo. Một số ít thì bán rẻ cho doanh nghiệp”, ông Phong nói.