'Trái đắng' biến đổi khí hậu

Khánh Ly| 03/12/2020 16:57

(TN&MT) - Khoảng 10 triệu người mất nơi cư trú trong năm nay, phần lớn do các thảm họa khí tượng thủy văn. Biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội, khiến năm 2020 có thể trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận. Thông tin do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố trong báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020. 

Nhiệt độ trung bình toàn cầu chạm mốc tăng 1,2°C

Dựa trên sự đóng góp của hàng chục tổ chức và chuyên gia quốc tế, báo cáo đã chỉ ra các hiện tượng gây tác động mạnh như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt, cùng với mùa bão Đại Tây Dương kỷ lục đã ảnh hưởng đến hàng triệu người. Tác động của những hiện tượng này càng nghiêm trọng hơn khi kết hợp với những hiểm hoạ về sức khỏe, an ninh và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo báo cáo, bất chấp các đợt giới nghiêm, phong tỏa hoạt động vì COVID-19, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên, đặt hành tinh trên đà tiếp tục ấm lên trong nhiều thế hệ tới bởi CO2 tồn tại rất lâu trong khí quyển.

Băng tan ở Bắc Cực

Theo Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Năm nay, rất có thể là một trong ba năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. (Ghi chép nhiệt độ hiện đại bắt đầu vào năm 1850).
“Những năm nắng nóng kỷ lục thường trùng với sự kiện El Nino mạnh, như trường hợp của năm 2016. Hiện, chúng ta đang trải qua một đợt La Nina, có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, nhưng vẫn chưa đủ để xoa dịu mức nhiệt năm nay. Dù đang có La Nina nhưng năm nay vẫn có mức nhiệt cao gần bằng mức kỷ lục của năm 2016,” -  GS Taalas cho biết.

Băng biển ở Bắc Cực chạm mức thấp nhất hàng năm vào tháng 9 vừa qua, là mức thấp thứ hai theo ghi nhận vệ tinh trong 42 năm. Trong khi đó, băng ở Nam Cực năm 2020 gần bằng hoặc cao hơn một chút so với mức trung bình 42 năm. Greenland tiếp tục bị tan băng, đánh mất 152 tỷ tấn băng trong năm nay, mặc dù tốc độ đã chậm hơn so với năm 2019.

Các hiện tượng gây tác động lớn

Báo cáo nhận định, năm 2020 lại là một năm khí hậu nhiều biến động. Cháy rừng thiêu rụi các khu vực rộng lớn ở Úc, Siberia, Bờ Tây Hoa Kỳ và Nam Mỹ, tạo ra những đám khói bay vòng quanh thế giới. Lũ lụt ở các khu vực của châu Phi, Nam Á - Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ở nội địa Nam Mỹ, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nhiều nơi vào năm 2020, và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là miền bắc Argentina, Paraguay và các khu vực biên giới phía Tây Brazil.

5 cơn bão cùng hoạt động trên Đại Tây Dương hồi tháng 9. Ảnh: NASA.

Số trận bão xoáy nhiệt đới trên toàn cầu năm 2020 đã vượt mức trung bình, với 96 trận bão tính đến nửa đầu tháng 11 vào các mùa mưa bão ở Bắc bán cầu 2020 và Nam bán cầu 2019-2020.

Khu vực Bắc Đại Tây Dương đã có một mùa mưa bão dữ dội khác thường, với 30 trận bão xoáy nhiệt đới tính đến ngày 17/11, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình nhiều năm (1981 - 2010) và phá kỷ lục mùa mưa bão của năm 2005. Vào thời điểm mưa bão thường bắt đầu rút dần vào cuối mùa, vẫn có hai cơn bão cấp 4 đã đổ bộ vào Trung Mỹ trong vòng chưa đầy hai tuần vào tháng 11, dẫn đến lũ lụt kinh hoàng và gây nhiều thương vong.

Bão Amphan đổ bộ vào ngày 20/5 gần biên giới Ấn Độn - Bangladesh là trận bão nhiệt đới gây thiệt hại nhiều nhất từng ghi nhận ở Bắc Ấn Độ Dương, với thiệt hại kinh tế được báo cáo ở Ấn Độ khoảng 14 tỷ USD.

Cộng hưởng áp lực từ đại dịch Covid-19

Khoảng 10 triệu người mất nơi cư trú trong nửa đầu năm 2020, phần lớn do các thảm họa khí tượng thủy văn, chủ yếu tập trung ở Nam và Đông Nam Á và vùng bán đảo Sừng châu Phi. Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tạo thêm một áp lực đáng ngại mới cho vấn đề di cư của con người.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một tầng rủi ro khác cho các hoạt động sơ tán, phục hồi và cứu trợ liên quan đến các hiện tượng gây tác động lớn. Ví dụ ở Philippines, mặc dù, hơn 180.000 người đã được sơ tán trước Bão nhiệt đới Vongfong (Ambo) vào giữa tháng 5, nhưng yêu cầu về các biện pháp giãn cách xã hội đồng nghĩa người dân không thể được di chuyển với số lượng lớn và khiến các trung tâm sơ tán chỉ có thể hoạt động với một nửa công suất.

Sau nhiều thập kỷ giảm, bất ổn an ninh lương thực đã gia tăng trở lại những năm gần đây kể từ năm 2014, xuất phát từ các cuộc xung đột và suy thoái kinh tế cũng như biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), gần 690 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới, bị suy dinh dưỡng và khoảng 750 triệu người đã phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2019. Số người rơi vào tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp và đói kém đã tăng lên gần 135 triệu người trên 55 quốc gia.

Theo FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), hơn 50 triệu người đã chịu ảnh hưởng kép từ các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Các quốc gia ở Trung Mỹ đang phải hứng chịu tác động gấp ba do bão Eta, bão Iota, COVID-19 và các cuộc khủng hoảng nhân đạo từ trước. Chính phủ Honduras ước tính rằng 53.000 ha đất trồng trọt đã bị cuốn trôi, chủ yếu là lúa, đậu và mía.

Các tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm các tác động đến đất đai như hạn hán, cháy rừng ở các khu vực rừng và đất bùn, suy thoái đất, bão cát và bụi, sa mạc hóa cũng như ô nhiễm không khí, có ảnh hưởng sâu rộng đến thiên nhiên và động vật hoang dã. Các hậu quả đối với hệ thống biển bao gồm mực nước biển dâng, đại dương bị axit hóa, nồng độ ôxy trong đại dương giảm, rừng ngập mặn suy giảm và san hô bị tẩy trắng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tình trạng suy thoái toàn cầu hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra khiến việc ban hành các chính sách cần thiết để giảm thiểu tác động trở nên khó khăn, nhưng nó cũng mang đến cơ hội để đưa nền kinh tế đi theo con đường xanh hơn nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xanh và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP và tạo thêm việc làm trong giai đoạn phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Trái đắng' biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO