Trách nhiệm tạo niềm tin

Xuân Hợp| 19/10/2021 11:00

(TN&MT) - Thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua các hoạt động tuân thủ pháp luật về BVMT, kiểm soát ô nhiễm, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên.

Xu thế toàn cầu hóa cộng với những cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt khiến mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp đều phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Trong đó, tăng khả năng cạnh tranh bằng các giải pháp phát triển xanh, chú trọng đến BVMT, trách nhiệm với xã hội… được xem là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Để hướng tới đích của sản xuất xanh, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý là không đủ mà quan trọng hơn phải có sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế và phải vào cuộc từ ý thức tới hành động. Thế nhưng, điều này đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Đơn cử, các quy định pháp luật BVMT của Việt Nam đến nay đã cơ bản đầy đủ, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường. Thế nhưng, không ít các doanh nghiệp vẫn vi phạm BVMT như: xả rác thải, khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên; trốn tránh trách nhiệm chi phí khắc phục ô nhiễm, không đầu tư hệ thống xử lý chất thải… Ước tính, khoảng 70% trong số 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận, không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường diện rộng.

Hậu quả là nhiều con sông bị đầu độc; nhiều vùng dân cư phải sống chung với ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt… Theo tính toán, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh lãi được 10 đồng nhưng không quan tâm vấn đề BVMT sau đó, chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường phải tiêu tốn gấp 10 lần hiệu quả kinh tế thu được.

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đang là xu hướng phát triển bền vững. Ảnh: Internet

Những năm gần đây, mâu thuẫn môi trường giữa doanh nghiệp - người dân chưa có hồi kết. Do quá bức xúc với các doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường, người tiêu dùng đã quay lưng lại với sản phẩm của doanh nghiệp. Một loạt các kêu gọi tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp gây ô nhiễm được phát đi từ phía người dân được xem là lời cảnh tỉnh quyết liệt đối với các doanh nghiệp quá tham kinh tế mà bỏ mặc môi trường.

Rõ ràng với một hoạt động sản xuất, sản phẩm bán ra có chỗ đứng trên thị trường là điều sống còn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chấp nhận mức phạt hành chính cao nhưng không thể thờ ơ đứng nhìn uy tín, thương hiệu của mình trở nên xấu xí, mất thiện cảm trong mắt cộng đồng. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sợ nhất khi hành vi vi phạm bị phát giác và thông tin rộng rãi cho cộng đồng.

Cũng bởi thế mà câu chuyện sản xuất xanh, tiêu dùng xanh bắt đầu phát triển trong những năm gần đây cho thấy rõ giá trị là những doanh nghiệp nào sớm nhận thức được vai trò và thể hiện trách nhiệm "sạch và xanh" của mình sẽ chiếm được niềm tin và sự đón nhận của người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội. Còn nếu không từ bỏ kiểu làm ăn “chụp giật”, ngắn ngày và tư duy phát triển thiếu bền vững, mất mát lớn nhất sẽ là không có chỗ đứng trong lòng “thượng đế".

Một thị trường xanh là thị trường hướng đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng thật sự là “thượng đế” - gốc cội của sự cạnh tranh. Có như vậy, người tiêu dùng mới sẵn lòng ủng hộ những chương trình xanh, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm tạo niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO