TPHCM tập trung VSMT để ngăn chặn dịch bệnh zika và sốt xuất huyết

15/11/2016 00:00

(TN&MT) - Trong số các tỉnh, thành có trường hợp nhiễm vi-rút Zika ở nước ta, thì TPHCM có số người nhiễm cao nhất, chiếm hơn 77% so với cả nước. Số ca bệnh...

 

(TN&MT) - Trong số các tỉnh, thành có trường hợp nhiễm vi-rút Zika ở nước ta, thì TPHCM có số người nhiễm cao nhất, chiếm hơn 77% so với cả nước. Số ca bệnh được ghi nhận liên tục tăng trong mấy ngày gần đây. Chiều 14/11, UBND TPHCM tiếp tục họp khẩn, đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, dập dịch bệnh zika và sốt xuất huyết (SXH).

Chỉ trong hơn 1 tháng, ngành y tế TPHCM đã ghi nhận nhiều ca nhiễm vi-rút Zika thông qua hệ thống giám sát trọng điểm ở các cơ sở y tế. Tính đến ngày 14/11, số ca nhiễm đã tăng cao, xác định thêm 21 trường hợp, nâng tổng số lên 38 ca nhiễm, trong đó có 5 thai phụ đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Báo cáo của Sở Y tế TPHCM cho thấy, số ca nhiễm vi-rút Zika đã lan rộng ra 13/24  quận, huyện thuộc TPHCM.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika do UBND TPHCM chủ trì, các đại biểu là đại diện ngành y tế địa phương cho rằng, còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động chống dịch như: ở khu vực có mầm bệnh vẫn chưa diệt triệt để loăng quăng, muỗi, nhiều đầm lầy, khu trũng ứ đọng do mưa kéo dài nhiều ngày gây ứ đọng nước tạo môi trường cho muỗi sinh sản, nhiều bãi rác và khu dự án nhà ở dở dang chưa vệ sinh triệt để,...

PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM  bày tỏ lo ngại: Trung bình mỗi tuần, Viện Pasteur TPHCM  xác định thêm 5 ca nhiễm Zika thông qua các mẫu bệnh phẩm gửi đến. Đặc biệt, trong số các bệnh phẩm có 50% số ca được xác định bị bệnh sốt xuất huyết. Với tình hình đang cao điểm bệnh sốt xuất huyết vào cuối mùa mưa, trong số khoảng 15.000 ca bị sốt xuất huyết thì số ca nhiễm Zika có thể còn tăng cao.

Trước tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh, bên cạnh việc vận hành hệ thống giám sát, có văn bản chỉ đạo ngành y tế rà soát, kiểm tra ở cơ sở, ngày 3 /11, UBND TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút Zika và ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh; đề ra hàng loạt giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch. Thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra dịch bệnh do vi-rút Zika, tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh và truyền thông phòng bệnh, tập trung lưu ý vào phụ nữ có thai. 

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: Thành phố cũng đã nâng cao hoạt động giám sát dịch bệnh, cử 6 đoàn kiểm tra, giám sát dịch đã được triển khai xuống các địa bàn trọng điểm để khống chế, ngăn chặn kịp thời. Sở Y tế cũng đã triển khai thêm 16 điểm giám sát tại các bệnh viện tư nhân, nâng tổng số điểm giám sát lên 46 điểm để kịp thời phát hiện các trường hợp bị nhiễm vi- rút Zika, nhằm cách ly kịp thời, điều trị, triển khai giải pháp khống chế mầm bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM đưa vào sử dụng ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời thực hiện truyền thông tại nhà các hộ dân. Khi phát hiện có ca bệnh nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika, Sở Y tế và lãnh đạo địa phương sẽ chỉ đạo triển khai ngay việc phun hóa chất, vệ sinh môi trường, diệt muỗi loăng quăng trên diện rộng toàn phường từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.

Trong số các quận, huyện ở TPHCM, quận Tân Phú đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp khống chế, ngăn chặn mầm bệnh vi rút Zika. Đặc biệt là chương trình “Ba trong một” với nội dung đẩy mạnh truyền thông, người dân chủ động diệt loăng quăng và ngành chức năng tăng cường phun xịt muỗi. Ở chương trình tổng thể, quận chỉ đạo thực hiện vệ sinh môi trường trên diện rộng. Nhờ các giải pháp này, trong 10 ngày qua đã không có thêm ca nhiễm Zika mới và số điểm mất vệ sinh, nơi phát sinh muỗi cũng giảm mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, Trung tâm đang đẩy mạnh giải pháp truyền thông như: sản xuất video về phòng chống bệnh Zika, phát 300.000 tờ rơi, tuyên truyền trên truyền hình, báo chí… Truyền thông tốt sẽ huy động được người dân chủ động trong diệt muỗi, loăng quăng, vệ sinh môi trường để ngăn chặn dịch bệnh. Mặt khác, chính quyền địa phương các quận, huyện cần đẩy mạnh xử phạt các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Từ năm 2015 đến nay, cả thành phố chỉ xử phạt được 73 trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TPHCM  yêu cầu các quận huyện phải chủ động đẩy mạnh tuyên truyền. Vừa rồi, quận 5 và Tân Phú, quận 7 làm tốt. Cán bộ y te đến tuyên truyền về lồng ghép trong ngày hội đạt đoàn kết dân tộc về phòng chống dịch bệnh SXH và Zika.

Bà Thu yêu cầu “Thời gian tới, các quận huyện phải đẩy mạnh. Mình tổng vệ sinh, phun xịt muỗi, xử lý rác, vệ sinh cống rãnh. Khi chúng ta xử lý được môi trường sẽ không để loăng quăng, muỗi phát triển. Đối với muỗi truyền vi rút Zika sinh sản trong môi trường nước sạch ở trong nhà người dân, thì chúng ta cần tuyên truyền đến tận người dân, hướng dẫn cho người dân cụ thể để xử lý muỗi, vệ sinh. Chiến dịch vệ sinh môi trường vào các ngày nghỉ cuối tuần nhằm kéo giảm dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết đến 30/12 -2016. Giao cho Sở Giáo dục-Đào tạo cần kiểm tra các trường học, hiện 38 ca mắc dù không là đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, các trường cần triển khai ngay việc diệt muỗi và loăng quăng trong nhà trường. Khuyến khích các trường phun xit muỗi trong ngày nghỉ. 

Bài và ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM tập trung VSMT để ngăn chặn dịch bệnh zika và sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO