TP.Hồ Chí Minh: Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo đa chiều

Nguyễn Thanh| 30/03/2023 14:49

Tài nguyên nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, giảm nghèo bền vững ở TP.HCM. Vì vậy, Thành phố đã đặt ra yêu cầu phải quản lý hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra…

a1-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc.jpg
Nguồn nước mặt chiếm 70% lượng nước cấp cho các nhu cầu công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt đô thị tại TP.HCM


Các thách thức trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước

TP.HCM là đô thị đặc biệt với dân số thực tế gần 14 triệu người; là trung tâm kinh tế của đất nước với các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…rất sôi động; quy mô GDP chiếm 1/3 cả nước.

Tuy nhiên, TP.HCM đã và đang đối mặt với các vấn đề về đô thị, trong đó việc quản lý và sử dụng nguồn nước là một trong những thách thức đối với quá trình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, công tác quản lý nguồn nước của TP.HCM đang phải đối mặt với một số khó khăn, chất lượng nguồn nước có xu hướng xấu đi, khai thác sử dụng nước lãng phí, gia tăng sự rủi ro do nguồn nước gây ra.

Tại TP.HCM, nguồn nước mặt chiếm 70% lượng nước cấp cho các nhu cầu công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên nguồn nước mặt của TP.HCM (chủ yếu là hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn) đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trong khi đó, chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B và đang bị ô nhiễm vi sinh rất lớn.

Đối với nước dưới đất, do khai thác với lưu lượng lớn nên trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị cạn kiệt, gây mất cân bằng nước, mực nước hạ thấp vượt quá mức cho phép ở nhiều nơi, chất lượng nước không đạt chuẩn và xâm nhập mặn gia tăng. Trong khi đó, tình trạng bê tông hóa, san lấp kênh rạch của quá trình đô thị hóa làm hạn chế khả năng bổ cập tự nhiên cho các tầng nước ngầm.

Ngoài ra, công tác quản lý tài nguyên nước tại TP.HCM còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý còn chồng chéo, nhiều sở, ngành, đơn vị cùng chịu trách nhiệm quản lý trước một nội dung quản lý.

a2-nuoc-thai-dat-tieu-chuan.jpg
Tất cả nước thải của các KCN phải được xử lý an toàn trước khi xả thải vào nguồn nước

Thực thi Luật Tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Việc triển khai nghiêm túc Luật Tài nguyên nước là cơ sở đề TP.HCM nâng cao công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững.

TP.HCM đã triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan được triển khai kịp thời, đầy đủ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quản lý tài nguyên nước, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của người dân, doanh nghiệp trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Công tác đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu của người dân: Từ 2012 đến nay, TP.HCM đã cấp 28 giấy phép hành nghề khoan nước đưới đất, 57 giây phép thăm dò nước dưới đất, 726 giây phép khai thác, sử dụng - nước dưới đất, 06 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển…

Công tác đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt: TP.HCM đã xây dựng bản dự thảo “Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước và ứng phó với sự cố cho hệ thống cấp nước TP.HCM”; phối hợp với các tỉnh lân cận về kế hoạch xả đẩy mặn các hồ chứa đầu nguồn trong mùa khô nhằm đảm bảo chất lượng nước khai thác và xử lý cho người dân sử dụng, không để xảy ra tình trạng phỉ ngưng hoạt động do nhiễm mặn, thiếu nước.

Quản lý chặt nguồn xả nước thải vào nguồn nước: Từ năm 2012 đến nay, TP.HCM đã cấp 1.389 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Đối với các công trình xả nước thải lớn vào nguồn nước đều có thiết bị quan trắc tự động gửi dữ liệu

Áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiêm và hiệu quả: TP.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thu thất thoát nước sạch từ 20,85% xuống còn 18% cho giai đoạn 2020 -2025 và xuống còn 15% cho giai đoạn 2025 -2030. TP.HCM cũng xây dựng chính sách thuế tài nguyên nước cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế để điều chỉnh hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng cao; khuyến khích các hoạt động tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn.

tai-nguyen-nuoc.jpg
TP.HCM cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ trong quản lý tài nguyên nước

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, TP.HCM cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.

 TP.HCM cần thiết có một quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả. Tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Cần xây dựng quy chế phối hợp tổng thể giữa các ban ngành có liên quan đến công tác quản lý nước theo định hướng thống nhất quản lý, cần có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phối với sự tham gia của các sở chuyên ngành theo mục tiêu nhiệm vụ cụ thể quản lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong quản lý…

Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, phản biển từ cộng đồng, công khai, minh bạch các số liệu quản lý tài nguyên nước, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên nước. Đây là một trong những biện pháp lấy dân làm gốc, đảm bảo công tác quản lý đáp ứng nguyên vọng nhân dân, đồng thời giúp nhà quản lý nhìn nhận, cải tiến phương cách quản lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền đối với nhân dân.

TP.HCM cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến.

Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho hệ thống thu gom và thoáy nước thải tập trung là hết sức cần thiết và cấp bách giúp thành phố kiểm soát được chất lượng nguồn nước.

Ngoài ra, TP.HCM cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; khuyến khích áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trong sử dụng nước để tiết kiệm nước; xây dựng cơ chế chính sách để động viên nhân dân tham gia vào công tác quản lý theo nguyên tắc: dân biết, dân làm và dân kiểm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO