TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển thành phố carbon thấp

25/07/2013 00:00

(TN&MT) - Trong những năm qua TP.HCM đang đối mặt với ô nhiễm môi trường, sức ép đô thị, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề…. TP.HCM đang hướng tới...

(TN&MT) - Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, sức ép đô thị, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng ảnh hưởng nặng nề…. Trở thành thành phố carbon thấp là mục tiêu mà TP.HCM đang hướng tới trong tương lai gần.
   
Thích ứng và giảm nhẹ  ảnh hưởng của BĐKH
   
  Ông Hà Minh Châu – Phó Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu TP.HCM cho biết, các Sở ban, ngành, địa phương đang triển khai từng bước Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đến năm 2015 của TP.HCM. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm hoàn thiện các nghiên cứu, đánh giá chi tiết định tính và định lượng về ảnh hưởng của BĐKH tổng thể trong các ngành và lĩnh vực; xây dựng, tích hợp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH cho toàn thành phố; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý, phối hợp và điều hành các hoạt động ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về quản lý đô thị trong bối cảnh BĐKH; thực hiện một số dự án ưu tiên cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và đã có cơ sở nghiên cứu khoa học.
   
  Về nhiệm vụ chính, TP.HCM tập trung ưu tiên vào kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH, nâng cao khả năng chống đỡ của người dân và thành phố trước những thay đổi trong tương lai của khí hậu. Trong đó, nhiệm vụ thích ứng ảnh hưởng của BĐKH, gồm: Xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn, các giải pháp hỗ trợ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; tích hợp mục tiêu thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị và kiến trúc xây dựng; lồng ghép yếu tố BĐKH trong công tác lập, quản lý quy hoạch và quản lý đô thị; quản lý, sử dụng tiết kiệm, chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại tới tài nguyên nước do tác động của BĐKH; tăng cường công tác y tế, nâng cấp, cải tạo, xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tăng cường phòng chống các dịch bệnh, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế các địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 
   
  Đối với nhiệm vụ giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH, gồm:  Nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu, phát triển, quy hoạch, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và đưa vào sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học. Quy hoạch quản lý chất thải đô thị, nguy hại và y tế nhằm tăng cường năng lực quản lý, giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; sử dụng công nghệ hiện đại nhằm thu hồi và tận dụng khí nhà kính từ các khu vực chôn lấp chất thải.
   
     
TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của tình trạng BĐKH
    
   
Hợp tác quốc tế giảm phát thải carbon
   
  Từ năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất Cơ chế Tín dụng chung (JCM), một cơ chế mới để chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp từ Nhật cho các nước đang phát triển. Ngày 2/7/2013, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ TN&MT Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam về tăng trưởng carbon thấp nhằm thực hiện việc xây dựng thỏa thuận giữa 2 quốc gia về Cơ chế tín dụng chung này.
   
  Trên tinh thần Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa UBND TP.HCM và Chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) ký ngày 07/07/2011 về những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa 2 bên trong vấn đề kinh tế, môi trường và quản lý nước; trong thời gian qua, hai địa phương đã hợp tác  tổ chức thành công một số hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và quản lý nguồn nước. Để tiếp tục triển khai những hoạt động hợp tác giữa hai thành phố, đồng thời mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và giao thông theo định hướng hỗ trợ TP.HCM xây dựng thành phố carbon thấp, TP. Osaka đã phối hợp với Quỹ Trung tâm Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (GEC) đề xuất lên Bộ Môi trường Nhật Bản Dự án Phát triển thành phố phát thải carbon thấp theo cơ chế Tín dụng chung trên cơ sở hợp tác với TP.HCM.
   
  Theo đó, các hoạt động chính của Dự án trong năm 2013 bao gồm: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai thành phố thông qua các cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo; xem xét và xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thành phố phát thải carbon thấp của TP.HCM; nghiên cứu khả thi các dự án điển hình ứng dụng công nghệ phát thải carbon thấp tại TP.HCM.
  Tại Hội thảo khởi động chính thức Dự án Phát triển thành phố phát thải carbon thấp do Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Cục Môi trường TP.Osaka và Trung tâm Môi trường Toàn cầu (GEC) tổ chức, Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP. Osaka, đối tác chiến lược của TP.HCM, đã thể hiện quyết tâm thực hiện thành công Dự án Phát triển thành phố phát thải carbon thấp và góp phần đưa TP.HCM trở thành một thành phố điển hình về phát thải carbon thấp theo cơ chế Tín dụng chung mà hai Chính phủ đang hợp tác xây dựng. Trên cơ sở sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản và cơ chế hợp tác chặt chẽ dựa trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau, TP.HCM sẽ chủ động triển khai nhiều kế hoạch…
   
  Ông Hà Minh Châu cho biết, trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình giảm phát thải carbon như: Sử dụng xe buýt chạy nhiên liệu sạch CNG, xe buýt nhanh BRT1; xây dựng tuyến Metro, Trung tâm điều khiển giao thông; sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng hầm biogas, sử dụng đèn LED; triển khai hiệu quả Dự án vệ sinh môi trường, giảm thất thoát nước; tăng cường mảng xanh thành phố; bước đầu tái chế chất thải…
   
   “Tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp là yêu cầu sống còn của TP.HCM trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Các chương trình phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của thành phố đang theo xu hướng sử dụng một cách hợp lý năng lượng và các nguồn tài nguyên, các hoạt động tái chế ngày càng tăng” – Ông Hà Minh Châu nhấn mạnh.
   
Nguyễn Thanh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển thành phố carbon thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO