TP. Hồ Chí Minh: Cải thiện chất lượng nguồn nước

17/12/2013 00:00

(TN&MT) - Giảm tối thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm ngoại thành…

(TN&MT) - Giảm tối thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm ngoại thành… là một trong những mục tiêu thuộc Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015 của TP.HCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX.
   
Chất lượng nước đã cải thiện
   
  Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Qua 3 năm thực hiện chương trình giảm ô nhiễm, chất lượng nguồn nước một số kênh rạch đã có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Đối với nguồn nước nội thành, kết quả quan trắc chất lượng nước năm 2013 so với năm 2011, cụ thể như sau: Sông Sài Gòn chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 13% và ô nhiễm dinh dưỡng giảm khoảng 18%; kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải thiện đáng kể, không còn mùi hôi và đã có hiện tượng thủy sinh, cá phát triển trở lại, chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 88% và dinh dưỡng giảm khoảng 76%; kênh Tàu Hũ – Bến Nghé ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 51% và dinh dưỡng khoảng 10%; kênh Tham Lương – Vàm Thuật ô nhiễm hữu cơ giảm 50%, dinh dưỡng chưa có chuyển biến; kênh Tân Hóa – Lò Gốm, ô nhiễm hữu cơ giảm 29%, dinh dưỡng giảm 20%.
   
  Đối với kênh rạch ngoại thành, kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai  năm 2013 cũng cho thấy, chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 10,5% và ô nhiễm dinh dưỡng giảm khoảng 50% so với năm 2011. Tại kênh Ba Bò, ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 5,3%, dinh dưỡng giảm khoảng 22,3%.
   
Kênh Tàu Hũ – Bến Nghé đã được cải tạo chỉnh trang, chất lượng môi trường nước được cải thiện tích cực
    
   
   Hiện nay, 16/16 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, hiện nay, mới có 12,5% các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đây là một trong những nguồn ô nhiễm đổ ra hệ thống các sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đến nay có 70% các dự án khu đô thị mới đi vào hoạt động từ năm 2011 đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tuy nhiên chỉ mới 13,2 % lượng nước thải sinh hoạt trong các khu đô thị hiện hữu được thu gom và xử lý.
   
  Dự kiến đến năm 2015, khi Dự án nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) lên 489.000 m3/ ngày đêm và hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi (giai đoạn 1) công suất 480.000 m3/ngày đêm thì lượng nước thải khu đô thị hiện hữu  được thu gom, xử lý đạt khoảng 86%.
   
Tăng cường đầu tư thiết bị quan trắc tự động
   
  Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, đến nay Sở TN&MT đã xây dựng Quy định phân vùng xả thải, tiêu chuẩn xả thải và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn kênh, rạch và sông; ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm quản lý hiệu quả nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn. Sở cũng đã  xây dựng kế hoạch phối hợp với các Viện, Trường, cơ quan khoa học tổ chức thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về môi trường. Đã xây dựng chương trình phối hợp giám sát và chia sẻ dữ liệu môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai dự kiến sẽ đưa vào thực hiện năm 2014.
   
  Ngoài ra, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó với sự cố tràn dầu trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn  do các tổ chức nước ngoài tài trợ như tổ chức Jica, Chính phủ Tây Ban Nha, TP.Rotterdam (Hà Lan)… đối với các vấn đề liên quan đến quản lý nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
   
  TP.HCM được đánh giá là địa phương tích cực nhất trong việc triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, bằng việc là địa phương đầu tiên xây dựng  kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố đến năm 2015, trong đó có 10 nhiệm vụ trọng tâm. Sở TN&MT cũng đã hoàn thành và trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2015; đồng thời tiến hành triển khai các dự án hợp tác quốc tế.
   
  Tuy nhiên, ông Phước cũng thừa nhận, việc đổi mới, xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước mặt còn chậm, chủ yếu là thủ công cho nên công tác quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước trên địa bàn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư các nhà máy thu gom xử lý nước thải đô thị còn chậm.
   
  Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015  giảm 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm ngoại thành theo Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về  chất lượng  nước mặt của các kênh  chính trên địa bàn  nội thành TP.HCM; tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường nước mặt hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP.HCM; kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
   
Nguyễn Thanh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Cải thiện chất lượng nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO