TP.HCM: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng

Nguyễn Quỳnh| 01/01/2023 10:49

(TN&MT) - Từ mức tăng trưởng âm 6,78% của năm 2021, năm 2022, kinh tế TP.HCM đã có bước phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Năm 2023, TP.HCM sẽ ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các dự án hạ tầng, cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động đề xuất cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới…

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Điểm sáng bao trùm năm 2022 là kết quả phục hồi kinh tế - xã hội đạt hơn dự kiến, thể hiện qua kiểm soát dịch Covid-19; tăng trưởng GRDP tăng 9,02% và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%); thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, vượt trên 18%; hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp phục hồi sống động; chất lượng sống của người dân thành phố ngày càng được nâng lên…

“TP.HCM sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM

Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng thừa nhận, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế thành phố cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm; tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng…

Trên cơ sở đánh giá kết quả năm 2022 và dự báo tình hình, TP.HCM thống nhất chọn chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Thành phố đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2023, trong đó, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, năm 2023, TP.HCM sẽ tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án nhà ở xã hội… Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố.

12-13-1-.jpg

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực đất đai, môi trường

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X đã quyết định dừng 17 dự án đầu tư chưa cần thiết; giảm vốn đầu tư của hàng trăm dự án khác với tổng kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư cho các dự án cấp thiết thuộc lĩnh vực hạ tầng và cải thiện chất lượng môi trường.

Đồng thời, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) với tổng kinh phí 9.700 tỷ đồng. Theo lãnh đạo thành phố, đây là dự án đặc biệt quan trọng, góp phần cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng trong năm 2023, TP.HCM sẽ dành nhiều nguồn lực tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, như: hoàn thành tuyến Metro 1, khởi công đường Vành đai 3; hoàn thành hồ sơ đường Vành đai 2, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 3 - 4, cầu Cần Giờ…

Đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Trong năm 2023, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp; tiếp tục xử lý, thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai mà không có lý do chính đáng. Đặc biệt, TP.HCM sẽ tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm.

Trong lĩnh vực môi trường, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đẩy mạnh công tác đối thoại, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường…

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù lĩnh vực TN&MT

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Năm 2022, nguồn thu từ lĩnh vực tài nguyên và môi trường chiếm 10% tổng thu ngân sách của TP.HCM. Điều đó cho thấy rằng, nguồn lực đất đai đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, quản lý về môi trường là vấn đề sống còn trong quá trình phát triển của thành phố.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn và phát huy hết nguồn lực thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, TP.HCM đã kiến nghị Trung ương cho phép triển khai thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực đất đai, môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo đó, kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, TP.HCM đề xuất được áp dụng việc bồi thường bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, hoặc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm; tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn.

TP.HCM cũng kiến nghị cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thủ Đức được thực hiện chức năng nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức.

Đồng thời, kiến nghị được phép thí điểm việc cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hằng năm. Cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện áp dụng “Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021…

Đối với lĩnh vực môi trường, TP.HCM đề xuất cho UBND các cấp được dùng hình ảnh ghi nhận từ camera, smart phone để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng (xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định); ngắt điện, nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường... Đồng thời, TP.HCM đề xuất được thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng đã phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO