TP.HCM: Tiếp tục ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn

Nguyễn Quỳnh| 28/10/2021 10:14

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là do hát karaoke tại các hộ gia đình, quán nhậu đang trở thành “vấn nạn” của TP.HCM, gây bức xúc cho nhiều người dân. Để mạnh tay xử lý tình trạng này, TP.HCM đã chuyển từ giai đoạn đẩy mạnh tuyên truyền sang giai đoạn tập trung xử lý các hành vi vi phạm.

Sử dụng giải pháp công nghệ để kiểm soát tiếng ồn

Tại Hội thảo “Quản lý môi trường khu vực đô thị và công nghiệp” do Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức mới đây, PGS,TS. Mai Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nước và Môi trường TP.HCM cho biết, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Chính vì thế, chúng ta cần đưa ra các giải pháp hành chính, chế tài dựa trên các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát tiếng ồn cũng phải hài hòa với các nhu cầu của người dân như giải trí, quảng bá kinh doanh...

Theo đó, để kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn, chúng ta có thể tập trung vào nhóm giải pháp chủ yếu như giải pháp hành chính liên quan đến việc kiểm soát sự tuân thủ pháp luật về tiếng ồn, bao gồm cả việc đo tiếng ồn, mức ồn, đề xuất các chế tài liên quan, khả năng thực thi cũng như các đề xuất để hoàn thiện các quy định liên quan. Bên cạnh đó là giải pháp kỹ thuật liên quan đến việc kiểm soát tiếng ồn trong không gian mở từ các nguồn khác nhau. Các đề xuất này mang tính khả thi và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội 4.0, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TP.HCM, đồng thời cũng có khả năng mở ra một hướng đi mới về kiểm soát tiếng ồn song song với phát triển kinh tế.

Nhân viên một quán bar trên phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1) đang chỉnh âm thanh (ảnh chụp trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội).

Đáng lưu ý, theo PGS,TS. Mai Tuấn Anh nếu âm thanh do người hát không được hỗ trợ bởi các thiết bị khuếch đại âm thì mức ồn chỉ trong phạm vi hẹp và có thể chấp nhận được. Do vậy, người hát có thể trang bị một mic kỹ thuật số có khả năng thu và gửi âm thanh của mình đến một thiết bị thu - phát - hòa âm kỹ thuật số. Bằng cách này, người hát dù hát to đến mấy mức độ ảnh hưởng cũng rất nhỏ, không gây ô nhiễm tiếng ồn. Đây là giải pháp mà các chủ nhà hàng, quán ăn có thể áp dụng để hạn chế gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu của người nghe, người hát.

Cũng theo PGS,TS. Mai Tuấn Anh, để xử lý các hành vi gây tiếng ồn, các cơ quan quản lý cần xác định mức ồn nền, sau đó có quy định chế tài về % vượt mức ồn nền. Cụ thể, cơ quan quản lý có thể ban hành mức phạt khi mức ồn vượt mức ồn nền (nếu vượt 5% thì nhắc nhở, 10% bắt đầu phạt...). Việc xác định mức ồn nền hoàn toàn có thể giải quyết bằng các phương pháp quy chuẩn thông thường hoặc theo công nghệ 4.0.

Tiếp tục ra quân xử lý vi phạm

Trước đó, giai đoạn 1 từ ngày 20/3/2021 đến 20/5/2021, TP.HCM mở đợt cao điểm truyền thông “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta” trên toàn địa bàn thành phố. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, yêu cầu cam kết, các nội dung về hạn chế tiếng ồn cũng được đưa vào quy ước khu dân cư. Một số cơ sở kinh doanh, hộ gia đình qua quá trình tuyên truyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuân thủ và ký cam kết chấp hành các quy định về tiếng ồn.

UBND TP.HCM đã  giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì vận hành Cổng Thông tin 1022 tiếp nhận các phản ánh vi phạm về tiếng ồn, chuyển đến các cơ quan có chức năng để phối hợp xử lý. Theo đó, người dân có thể gọi tổng đài 1022, nhắn tin qua Mobile App 1022, gửi thông tin qua Cổng Thông tin điện tử https://1022.tphcm.gov.vn. Người dân cũng có thể dùng Facebook của mình để truy cập vào fanpage 1022 tại địa chỉ FB/1022.tphcm.gov.vn và thực hiện nhắn tin phản ánh hoặc gửi qua email 1022@tphcm.gov.vn. Tính từ ngày 10/3/2021 đến hết ngày 20/5/2021, Cổng Thông tin 1022 đã tiếp nhận 2.835 tin báo về các hành vi gây tiếng ồn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sau ngày 30/6/2021, TP.HCM sẽ chuyển từ công tác tuyên truyền sang kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm và quyết liệt các hành vi vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM thực hiện các cấp độ giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh phải ngừng hoạt động nên không phát sinh ô nhiễm tiếng ồn. Từ tháng 10/2021, khi thành phố nới lỏng giãn cách và sắp tới sẽ cho các cơ sở ăn uống được phục vụ tại chỗ, tình trạng gây tiếng ồn trong khu dân cư sẽ tái phát trở lại. Vì vậy, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn sẽ được thành phố triển khai quyết liệt, nhất là giai đoạn cuối năm 2021 và bước sang năm mới 2022.

Cụ thể, UBND TP.HCM  yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện kiện toàn các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa, xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Công an TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, nhất là ở cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động làm phát sinh tiếng ồn trong khu dân cư; chủ động bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn, trong đó có các nguồn gây ồn khác như chạy xe nẹt pô gây ồn, tiếng ồn của ô tô, mô tô phân khối lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tiếp tục ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO