TP.HCM: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế biển

10/03/2017 00:00

                      

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có Công văn số 1142/UBND-ĐT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện theo Công văn số 04/BTNMT-TCBHĐVN ngày 10/01/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo tình hình thực hiện năm 2016 Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

Vùng biển TP.HCM cụ thể là Cần Giờ với đường bờ biển dài khoảng 15km và diện tích mặt biển khoảng 900km2, nằm ở phía Đông Nam của Thành phố. Nhờ luôn hội tụ và phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, sự giao thương rộng với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu vực. Vùng biển TP.HCM đã đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm họa như: sự xâm nhập mặn, xói mòn, sạt lở bờ biển, bồi tụ, dâng cao mực nước biển, bão lũ, ô nhiễm...

Nguyên nhân chủ yếu gây nên các hiểm họa này là do hoạt động khai thác, sử dụng không hợp lý tài nguyên, môi trường biển, ven biển. Nhận thức được vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cùng với việc phấn đấu thực hiện mục tiêu chung là đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã xác định mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và đã ban hành các chủ trương, chính sách về chương trình hành động về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Thành ủy, UBND TP.HCM đã ban hành các chủ trương, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo.

Thành ủy TP.HCM cũng đã chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 26/10/2007 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13/6/2014 của Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X cho Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 03/04/2008, kèm theo kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, có các cơ chế, chính sách phát huy mọi tiềm lực, thế mạnh vùng biển, ven biển Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

UBND Thành phố cũng đã ra Quyết định số 545/QĐ-UBND-M ngày 05/8/2014 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13/6/2014 của Ban thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 60/KL-TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X cho Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; ra Quyết định số 815/QĐ-UBND ngày 25/02/2015 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững Việt Nam trên địa bàn Thành phố đến năm 2020.

UBND Thành phố đã triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể: Nhiệm vụ phát triển kinh tế các vùng biển và ven biển; quốc phòng an ninh và đối ngoại về biển, đảo; điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường vùng biển Thành phố; phát triển khoa học - công nghệ biển; nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng kết cấu hạ tầng trên biển, đảo và vùng ven biển; tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo; quản lý nhà nước đối với biển, đảo

Trong đó, UBND Thành phố đã tổ chức xây dựng, phát triển cảng biển, vận tải biển và cơ sở hạ tầng phục vụ Chiến lược biển, tập trung nâng cao và phát triển tăng khả năng hoạt động của cảng Cát Lái và Hiệp Phước nhằm đáp ứng yêu cầu ngành giao thông hàng hóa của khu vực. Hiện nay, cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam tại Thành phố, tập trung vào dịch vụ kho bãi và trung tâm phân phối hàng hóa.

Còn cảng Tân Cảng - Hiệp Phước thì kết nối các tuyến đường vành đai và hàng loạt khu công nghiệp, là nơi tập trung hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu công nghiệp ở phía Nam Thành phố. Ngoài ra, đang triển khai đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá huyện Cần Giờ tại sông Đồng Đình, sông Dinh Bà. UBND Thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ.

UBND Thành phố cũng đã thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc vùng biển, đảo, ven biển. Cụ thể, xây dựng kế hoạch phối hợp với các đồn, trạm biên phòng và các lực lượng có liên quan nắm tình hình trên biển, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, vùng biển, cửa khẩu cảng của Thành phố, sẵn sàng đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm an ninh chủ quyền quốc gia, quản lý bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên biển, tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm - cứu nạn trên biển.

Với mục tiêu đề xuất những giải pháp phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng ven biển, định hướng phòng chống thiên tai, ô nhiễm và góp phần phát triển kinh tế biển “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển” của Thành phố, UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện “Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ Thành phố” và Kế hoạch quản lý Khí tượng thủy văn trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025…

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND, kèm theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (khóa VIII) về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Đây là những định hướng để tập trung nguồn lực đưa Chiến lược biển Việt Nam vào tình hình thực tế tại Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Thành phố còn một số hạn chế và khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch như: cơ chế phối hợp giữa các Sở ngành, đơn vị của Thành phố còn chưa đồng bộ và kinh phí cho các hoạt động này còn nhiều hạn chế; công tác điều tra, quản lý biển và hải đảo vẫn còn nhiều bất cập như: việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển, khai thác mặt nước, không gian biển chưa có sự phối hợp, thảo luận trao đổi giữa các tỉnh, thành xung quanh; chưa có một kế hoạch tổng thể chung và một tổ chức chịu trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ vùng biển Thành phố.

Theo đánh giá chung của UBND Thành phố, các nội dung, chương trình, nhiệm vụ của Chương trình đã được các cơ quan chủ trì triển khai, đảm bảo đúng tiến độ và kết quả thực hiện tốt. Công tác triển khai Chương trình đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng biển Thành phố như: đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được cải thiện; tình hình an ninh, quốc phòng được giữ vững; các ngành kinh tế biển như cảng biển, du lịch biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản có sự phát triển.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc phân ranh giới vùng biển cho Thành phố; xác định cơ quan chủ trì trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển - hải đảo. Thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo; xây dựng các chương trình, tài liệu hướng dẫn nhằm bồi dưỡng cho các cán bộ tại địa phương, cơ sở. Thống nhất trong phương pháp thu thập dữ liệu, phương pháp thực hiện để đồng bộ hóa cũng như kết nối các nguồn dữ liệu tài nguyên và môi trường biển giữa Bộ ngành Trung ương và các tỉnh, thành vùng biển liền kề.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO