TP.HCM: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Quỳnh | 29/08/2021, 17:07

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 32 tổ chức tôn giáo đang hoạt động với hàng triệu người sinh hoạt, trải rộng tại tất cả các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)...

Hơn 200 mô hình BVMT, ứng phó BĐKH

Từ nhiều năm nay, các tăng ni chùa Long Hoa ( Quận 8) thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương và hàng trăm phật tử tổ chức thả các loại cá thích ứng với môi trường nước như: các trê, cá lóc…số lượng từ 5.000 đến 20.000 con cá/1 đợt. Việc này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong BVMT, bảo vệ nguồn nước bằng những hành động thiết thực như  không xả rác, phóng uế xuống hệ thống kênh rạch.

Tại Quận 11, sáng thứ 7 hàng tuần, đội tình nguyện thuộc chùa Liên Hoa đã tổ chức quét dọn vệ sinh từ khoảng 5 giờ sáng trên nhiều tuyến đường trên địa bàn quận. Việc đội hình ra quân thực hiện với áo đồng phục có lời kêu gọi giữ gìn vệ sinh môi trường đã có tác động rất lớn đến hành động của mọi người và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư về ý thức bảo vệ môi trường.

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn quận 8 cùng tham gia trồng cây xanh.

Thời gian qua, Giáo xứ Bắc Dũng (khu phố 5, phường 15, quận Gò Vấp) với  khoảng 3.000 giáo dân cũng luôn được biết đến là một mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu. Bên cạnh việc luôn chấp hành tốt về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác phối hợp về BVMT và ứng phó BĐKH luôn được Hội đồng mục vụ Giáo xứ và cộng đồng giáo dân nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Bắc Dũng cho biết:Trong các buổi sinh hoạt, Linh mục Chánh xứ nhắc nhở giáo dân về ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện môi trường; quan tâm gìn giữ, BVMT sống cho cộng đồng. Trong đó, các giáo dân đã tập trung cải tạo một khu nhà bỏ hoang trên địa bàn (vốn là nơi tập trung các đối tượng sử dụng ma túy, xả rác) để trở thành bếp ăn tình thương, phục vụ miễn phí cho người nghèo. Hiện nay, bếp ăn tình thương của Giáo xứ cũng nói không với túi ni lông và những sản phẩm nhựa dùng một lần.

Từ năm 2019, Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm quận Phú Nhuận đã cho ra mắt “Tổ tình nguyện vì môi trường xanh”, đã tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc BVMT, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, BĐKH với đời sống con người. Các hoạt động như nhặt rác kết hợp với tuyên truyền giữ gìn bảo vệ môi trường của “Tổ tình nguyện vì môi trường xanh” đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của người dân. Trong đó, có rất nhiều bà con đã tham gia hưởng ứng nhặt rác làm sạch môi trường cùng với Tổ tình nguyện. Từ đó lan tỏa ngày càng sâu rộng phong trào trong quần chúng nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu cả xã hội cùng chung tay tham gia giữ gìn và BVMT trên địa bàn phường, cũng như thành phố ngày càng sáng – xanh - sạch đẹp hơn.

Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP.HCM đã xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để BVMT và ứng phó với BĐKH. Ðiển hình như: "Khu dân cư - Họ đạo không rác", "Giáo họ xanh, sạch, đẹp", “Thanh , thiếu niên phật tử và 15 phút bảo vệ môi trường”… Các mô hình này được tổ chức  phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng đối với BVMT và ứng phó với BĐKH.

Đẩy mạnh công tác phối hợp

Giáo sư Hương Ðang, Phó Trưởng ban Ðại diện Hội thánh Cao Ðài tại TP.HCM cho biết: Những năm qua, người dân có đạo luôn có ý thức gương mẫu phân loại rác tại nguồn. Quét sạch đường phố, từ gia đình đến nơi công cộng, các tổ chức tôn giáo, các lễ hội, ngày Tết. Vì vậy, vị đại diện này kiến nghị  khi người dân đã ý thức phân loại rác tại nguồn thì công tác thu gom rác cũng phải thực hiện đúng và vận chuyển theo quy định các loại rác, tránh tình trạng để chung rác phân hủy và khó phân hủy.

Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (quận 11) cùng phật tử tham gia tổng vệ sinh môi trường  vào thứ 7 hằng tuần.

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam cho rằng: Để nâng cao ý thức BVMT của mỗi người dân nói chung, người theo đạo nói riêng thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phải được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai và hướng dẫn chúng tôi thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, từng em học sinh, từng đoàn viên và những người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Bà Tô Thị Bích Châu, Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM đánh giá: Trong thời gian qua, 32 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã tích cực vận động người dân tích cực tham gia công tác BVMT và ứng phó với BĐKH và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19/20218 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có sự tham gia của các vị chức sắc các tôn giáo đã khơi dậy tinh thần của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành một phong trào có sức lan tỏa xã hội sâu rộng. Các cam kết tham gia BVMT của  các tổ chức tôn giáo được thực hiện nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo để vận động các tín đồ, đồng bào các dân tộc hưởng ứng một cách thiết thực trong từng gia đình.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, để tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan Mặt trận các cấp, Sở TN&MT và Phòng TN&MT các quận, huyện, TP. Thủ Đức cùng các tổ chức tôn giáo. Trong đó, cần phải  xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, nội dung cụ thể, tránh chỉ nêu chung chung. Sở TN&MT cần  biên soạn, phát hành kịp thời các tài liệu liên quan đến BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với các tôn giáo…

Bài liên quan
  • Vai trò của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Thái Bình - những cách làm sáng tạo
    (TN&MT) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 01 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình và Sở Tài nguyên và Môi trường về phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH), công tác này đã được Mặt trận các cấp phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường cùng các tổ chức tôn giáo, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO