TP.HCM: Nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu có ý nghĩa “sống còn”

Nguyễn Quỳnh| 21/09/2021 11:01

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM xác định nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, bởi TP.HCM là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng BĐKH, nước biển dâng.

Giảm 10% phát thải vào năm 2030

Theo Kế hoạch, TP.HCM sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH đối với các rủi ro liên quan đến khí hậu (hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, nước biển dâng), phòng chống rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh lương thực, an sinh xã hội, cộng đồng lành mạnh và phát triển bền vững.

Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu  giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế     các-bon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và thành phố, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường quản lý Nhà nước về BĐKH, thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH và quy hoạch, kế hoạch của thành phố. Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng cac-bon thấp.

Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM tiếp tục tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước BĐKH và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của BĐKH. Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ các rủi ro do BĐKH và hiệu quả về các mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp.

TP.HCM đang chịu nhiều ảnh hưởng của tình trạng BĐKH

Xác định nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực

Để đạt được những mục tiêu trên, TP.HCM đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành nông nghiệp có nhiệm vụ đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, ngành này sẽ định hướng, đề xuất các giải pháp ứng phó cho phù hợp. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH mang tính cấp bách trên cơ sở phân tích chi phí hợp lý, phù hợp với nguồn lực mang lại hiệu quả. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; trồng, bảo vệ, phục hồi rừng nhất là rừng ngập mặn ven biển Cần Giờ.

Ngành tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ quản lý dự trữ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo về nguy cơ BĐKH, rủi ro thiên tai. Đồng thời, ngành cần ứng dụng các công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ngành cũng cần quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực.

Ngành xây dựng và quy hoạch đô thị sẽ đánh giá tác động của BĐKH đến các khu quy hoạch xây dựng mới, xây dựng mô hình đô thị thông minh ứng phó với BĐKH, chống ngập và nâng cao hệ thống thoát nước. Đánh giá tác động của BĐKH với việc cung cấp nước sạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước xem xét đến khả năng ứng phó với tác động của BĐKH; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cấp nước. Ngành này cũng có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giúp người dân thích ứng với tình trạng ngập lụt trong thời gian nhất định, đặc biệt với những vùng được xác định là chưa hoặc không thích hợp để bảo vệ bằng giải pháp công trình.

Ngành công nghiệp tập trung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, quản lý phát thải khí nhà kính đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp, chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính…Ngành giao thông vận tải được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông linh hoạt, thích ứng với BĐKH; nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông ở các vùng thường bị đe dọa bởi ngập lụt và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016: với kịch bản BĐKH trung bình, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 1,9 độ C vào năm 2100; theo kịch bản BĐKH cao, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 3,5 độ C.

Về nước biển dâng, đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình là 54cm. Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM, nếu nước biển dâng  100 cm thì 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng  35,43%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu có ý nghĩa “sống còn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO