Bất động sản

TP.HCM: Nghịch lý ế ẩm nhà tái định cư

Thục Vy 16/09/2023 - 19:45

(TN&MT) - Như một nghịch lý khi nhu cầu chỗ ở của người dân ở TP.HCM ngày càng gia tăng, song có những dự án nhà tái định cư (TĐC) xây xong rồi… để đấy, người dân không mặn mà đến ở.

vinh-loc-b.jpg
Khu TĐC Vĩnh Lộc B ngày càng xuống cấp vì ít người dân đến ở

Khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có diện tích hơn 30ha gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất, được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2011 với mục đích là nơi ở của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM. Tuy nhiên đến nay, khu TĐC này vẫn thưa thớt người. Hiện khu này đang ngày càng xuống cấp và có dấu hiệu sụt lún, nứt vách… Lý giải cho hiện tượng trên, theo nhiều người dân, ngoài chất lượng công trình không đảm bảo thì khu TĐC nằm xa trung tâm, giao thông đi lại bất tiện ảnh hưởng đến kế sinh nhai nên nhiều người ngại ở khu TĐC.

Gia đình bà Hằng, sống tại khu TĐC Vĩnh Lộc B hơn 3 năm nay, có cuộc sống khó khăn do không thể kiếm được việc làm. Bà Hằng mở quán ăn, hàng nước nhưng chỉ được thời gian ngắn phải dẹp tiệm vì không có khách. Tương tự gia đình bà Hằng, gia đình chị Loan cũng thuộc diện giải tỏa để thực hiện Dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Theo chị Loan, ngày trước chị bán hủ tiếu, bánh canh, mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. Về khu TĐC, buổi sáng chị cũng mở quán bán xôi, trưa và tối bán ốc, nhưng chưa được một tuần đã dẹp vì không có người mua.

Trước thực trạng của những khu TĐC đang xuống cấp, nhiều người dân thuộc các chung cư cũ buộc phải di dời cũng cảm thấy e ngại. Ông Đức - cư dân của chung cư cũ số 155-157 Bùi Viện (quận 1) cho biết, sẽ tìm phòng trọ ở tạm trong thời gian chờ cải tạo lại chung cư chứ không muốn lên khu TĐC vì xa, ảnh hưởng đến công việc và học tập của con em.

Đáng nói, không chỉ khu TĐC ở vị trí xa trung tâm ế ẩm, mà có chung cư ở vị trí thuận lợi cũng đang trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Điển hình như Khu TĐC Bình Khánh (TP Thủ Đức). Với diện tích đất rộng 38,4ha, khu TĐC này được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.

Là một trong số rất ít gia đình dọn về nơi đây sinh sống sau khi gia đình bị thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Hà Văn Lượng cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà TĐC ở đây khá cao, nhiều người không đủ tiền mua nên sau đó phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác. Ông Lượng tâm sự: “Nơi đây tiện ích hơn nơi ở cũ về giao thông cũng như an ninh. Tuy vậy, người dân TĐC khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù hợp để người dân làm ăn, buôn bán. Ngoài ra, người dân đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư”.

Vừa qua, lãnh đạo UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp, lắng nghe kế hoạch chi tiết các thủ tục tiến hành tổ chức đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ chung cư thuộc khu TĐC này. Đây là lần thứ tư khu chung cư này được đưa ra đấu giá, sau khi các lần đấu giá trước bị thất bại.

tdc.jpg
Khu TĐC Bình Khánh có vị trí "đắc địa" nhưng cũng đìu hiu, hoang vắng trong nhiều năm qua

Trước tình trạng khu TĐC này ế ẩm quá lâu, công trình xuống cấp, một số chuyên gia cho rằng, thành phố nên cân nhắc giảm giá, chuyển sang nhà ở xã hội hoặc đấu giá từng lô nhỏ, thậm chí đấu giá theo căn. Bởi theo chuyên gia, bán lẻ là hình thức tiếp cận người có nhu cầu thật với giá trị vừa phải thay vì đấu giá theo lô số tiền quá lớn, khó thu hút cá nhân hoặc tổ chức tham gia.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, có một nghịch lý là TP.HCM đang rất cần nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, hàng chục nghìn căn nhà TĐC đang bị bỏ hoang, người dân không mặn mà đến ở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: "Khu TĐC Bình Khánh là khu TĐC đồ sộ và lớn nhất thành phố bị bỏ hoang rất lãng phí nguồn lực. Bài học kinh nghiệm là không để lãng phí dự án nhà TĐC là phải làm tốt công tác quy hoạch, phải xác định đúng vị trí xây dựng khu TĐC đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người được nhận.

Bên cạnh đó, cần xác định đúng đối tượng được nhận sao cho phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, văn hóa sống của cư dân của từng khu vực. Các căn hộ được xây dựng phải gắn liền với chính sách an sinh xã hội như: đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời. Các căn hộ xây dựng cần tính toán sát với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng dư thừa. Công tác triển khai TĐC phải được đổi mới, phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác để cân đối với khả năng đáp ứng, phân bổ hợp lý".

Theo nhận định của chuyên gia, có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc người dân chưa mặn mà với nhà TĐC hay hàng loạt căn hộ TĐC bị bỏ trống. Trong đó, có nguyên nhân là người dân đã quen với nơi ở cũ, không muốn chuyển tới sinh sống tại nhà TĐC. Trước hết, là mối lo của người dân trước chất lượng nhà TĐC, khi nhiều khu TĐC hiện nay có chất lượng không tốt, một số nơi đưa vào sử dụng chưa lâu đã có dấu hiệu xuống cấp như thấm dột, nứt tường… Ngoài ra, vị trí của một số khu TĐC nằm ở những nơi không thuận lợi, ở khu vực đất đai rẻ, hay cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích quá thiếu thốn. Việc bố trí nhà TĐC không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của các hộ thuộc diện di dân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các khu nhà bị bỏ hoang như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nghịch lý ế ẩm nhà tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO