TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế tài chính cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước

23/10/2015 00:00

  (TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có Công văn số 6413/UBND-QLDA gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cơ chế tài chính cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu...

 

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có Công văn số 6413/UBND-QLDA gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cơ chế tài chính cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực Thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thực hiện các Quy hoạch thoát nước và chống ngập úng TP.HCM theo Thông báo số 285/VP-CP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao “UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục, sớm triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới”.

Hiện nay, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh Đề cương dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM (Dự án) bao gồm 07 dự án thành phần nhằm thực hiện tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên theo ý kiến góp ý của Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 437 triệu USD (tương đương 9.658 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới - nguồn IBRD là 400 triệu USD, vốn đối ứng (chủ yếu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chi phí quản lý dự án) là 37 triệu USD. Tuy nhiên, qua góp ý của Bộ Tài chính vấn đề cơ chế tài chính trong nước đối với Dự án nói trên còn vướng mắc nội dung như sau: Bộ Tài chính đề nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vay 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới là Ngân sách TP.HCM vay lại 100% từ Ngân sách Trung ương.

UBND TP.HCM nhận thấy, hiện nay, hàng năm ngân sách Thành phố đang phải thanh toán các khoản chi phí liên quan đến xây dựng cơ bản là rất lớn bao gồm cả việc phải thanh toán các khoản vay ODA cho các dự án đã và đang triển khai theo Quy hoạch Tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/01/2001 và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.

Để triển khai thực hiện 02 Quy hoạch nêu trên cần phải có nguồn lực rất lớn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực từ kinh tế, tài chính đến quản lý, trí tuệ của toàn thể hệ thống chính trị Thành phố. Mặc dù, trong những năm qua, Thành phố tập trung và cố gắng hết sức để huy động mọi nguồn lực, chỉ tính trong 10 năm vừa qua, Thành phố đã bỏ ra gần 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước (trong đó ngân sách Thành phố khoảng 9.000 tỷ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỷ đồng) nhưng cũng chỉ đủ để thực hiện được một khối lượng công việc rất hạn chế, như đã nêu ở trên.

Đặc biệt, trong 24.300 tỷ đồng có khoảng 18.700 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD) để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch (trong đó ngân sách Thành phố khoảng 3.400 tỷ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỷ đồng) nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch. Nguyên nhân chính là do nguồn lực Thành phố có hạn, tình hình kinh tế khó khăn nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng.

Cụ thể, nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết của Thành phố quá hạn hẹp, tính chung trong giai đoạn 2011 - 2014, số cân đối từ thuế dành cho chi đầu tư phát triển của Thành phố chỉ khoảng 9.509 tỷ đồng/năm, nhưng phải bố trí hơn 28% để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn (khoảng 2.857 tỷ đồng/năm) nên chỉ còn lại 6.650 tỷ đồng/năm và để đáp ứng một phần nhu cầu vốn cấp thiết, Thành phố phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng tổng cộng chỉ được khoảng 18.000 tỷ để chi đầu tư xây dựng cơ bản trên tổng nhu cầu
đầu tư hàng năm là 35.000 tỷ đồng; trong đó chi hàng năm cho các dự án chống ngập khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm chiếm tỷ lệ 5,5%.

Đến thời điểm ngày 31/12/2014, tổng dư nợ vay của Thành phố là 25.115 tỷ đồng (bao gồm dư nợ trong nước là 14.669 tỷ đồng và dư nợ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỷ đồng). Dự kiến trong 05 năm tới (2016 - 2020), bình quân mỗi năm Thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng/năm để chi trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 - 2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM là dự án phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh cho khu vực 14.900 ha đi qua 9 quận huyện của Thành phố với dân số được hưởng lợi ước tính 2 triệu người (năm 2020), bản chất dự án không có nguồn thu, chi phí xây dựng hoàn toàn do ngân sách chi trả. Do đó nếu phải vay lại và chi trả hoàn toàn cho các khoản vay của dự án với phương thức vay IBRD sẽ vượt quá khả năng cân đối vốn hàng năm của ngân sách Thành phố.

Từ những khó khăn trên, để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị Dự án và trình Thủ tướng Chính phủ Đề cương Dự án theo tiến độ cam kết với Nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Thế giới để xem xét cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM được vay nguồn vốn ưu đãi (IDA) từ Ngân hàng Thế giới. Do tình hình cân đối ngân sách hiện nay của Thành phố đang gặp khó khăn, UBND TP.HCM trình Thủ tướng cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế tài chính cấp phát đối với dự án (Trung ương vay Ngân hàng Thế giới và cấp phát lại 100% cho Thành phố để thực hiện Dự án).

Tường Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế tài chính cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO