TP.HCM: Đảm bảo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất

Nguyễn Quỳnh| 08/09/2022 10:13

(TN&MT) - TP.HCM đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất xuống còn 100.000m3/ngày/đêm vào năm 2025.

Lượng khai thác giảm mạnh

Ngày 30/3/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1242/QĐ –UBND về Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025 nhằm đưa ra các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất.

14.jpg

Công nhân Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đang trám lấp giếng khoan cho người dân tại quận Tân Phú.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, sau 4 năm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ,TP.HCM đã thực hiện giảm mạnh lượng khai thác nước dưới đất từ 716.581m3/ngày/đêm xuống còn 264.581m3/ngày/đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày/đêm; lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày/đêm; lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày/đêm…

Nếu tính theo số lượng công trình đang khai thác nước ngầm và quyền cấp phép, sau 4 năm thực hiện giảm cấp phép khai thác theo lộ trình, hiện nay TP.HCM còn 159 công trình, trong đó có 9 công trình (giảm 6 công trình) do Bộ TN&MT cấp phép với tổng lưu lượng 80.980 m3/ngày/đêm và 150 công trình (giảm 416 công trình) do Sở TN&MT TP.HCM cấp phép với tổng lưu lượng 63.445 m3/ngày/đêm.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP.HCM, so với kế hoạch đề ra, kết quả giảm khai thác nước dưới đất mới chỉ đạt 73,3%, trong quá trình triển khai, thực hiện giảm khai thác nước dưới đất còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, một số khu vực nguồn nước cấp còn hạn chế, chưa có mạng lưới cấp nước cấp 2, cấp 3 hoặc áp lực nước chưa ổn định; người dân muốn tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước và thói quen sử dụng nước hàng ngày; quy định đối tượng hộ gia đình sử dụng nước dưới đất không phép xin phép, không phải đăng ký… nên dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất để sử dụng của người dân vẫn còn phổ biến ở nhiều khu vực các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn…

Ngoài ra, theo Sở TN&MT, các công trình khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT có thời hạn giấy phép từ 5 - 10 năm, lưu lượng cấp phép lớn, do đó sẽ khó khăn để đưa nhóm đối tượng này vào chỉ tiêu giảm hàng năm của thành phố. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm đã giảm vượt yêu cầu chỉ tiêu của thành phố, nhưng vì phải cân đối chung với các công trình khai thác do Bộ TN&MT cấp phép nên tỷ lệ giảm khai thác ở các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM cho biết, Sở đang chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, TP. HCM sẽ giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày/đêm; đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật.

Trong năm 2022, Sawaco dự kiến giảm tổng lượng khai thác nước dưới đất xuống mức 62.300m3/ngày. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn điều chỉnh giảm công suất khai thác nước dưới đất về mức 29.300m3/ngày/đêm; Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn duy trì công suất khai thác 33.000m3/ngày/đêm.

Theo đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Sở TN&MT cũng yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định... để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính sớm trình thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án “hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố”; chỉ đạo Sawaco sớm có giải pháp thực hiện chủ trương về giá bán linh hoạt cho các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM cho phép cấp giấy phép khai thác nước trong ngắn hạn (thời hạn giấy phép 1 năm) đối với những khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, hoặc đã có mạng lưới nhưng chất lượng, áp lực nước còn yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Đảm bảo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO