Môi trường

TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa

Minh Thư 03/05/2024 21:50

Chiều 3 tháng 5 năm 2024, Tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), UBND Thành phố Đồng Hới phối hợp Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa” và “Lễ ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa”. Với Lễ ký kết này, thành phố Đồng Hới chính thức tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên trên địa bàn thành phố.

ky-ket-3.jpg
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới phát biểu

Tới dự Hội thảo và Lễ ký kết có ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc Dự án Giảm rác thải nhựa tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc chương trình giảm nhựa WWF – Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Bình có các ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT; Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, cùng đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các hội, các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường của thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, cho biết, Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình. Cùng với sự phát triển của kinh tế và du lịch là việc gia tăng khối lượng rác thải tại địa phương gây gánh nặng cho vấn đề thu gom và xử lý. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố Đồng Hới rất cao 95,5% (2019) – tiến tới năm 2025 đạt 98,5%.

Song ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường ở một số lưu vực sông hồ các khu chợ gần sông, bãi biển công cộng… Điều này có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản…Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế toàn hoàn thông qua công tác tăng cường phân loại rác thải nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả, UBND TP. Đồng Hới đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 16/4/2024 để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Trung Kiên mong muốn với việc ký kết tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa, Dự án sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động được triển khai đồng bộ, rộng rãi và mang lại nhiều kết quả hơn nữa cho công cuộc bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa của thành phố.

ky-2-.jpg
Từ trái qua Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy Giám đốc chương trình giảm nhựa WWF – Việt Nam; ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: TP. Đồng Hới là địa phương tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa khá sớm với việc ký Biên bản ghi nhớ triển khai Dự án từ năm 2020. Tuy nhiên, do nhiều lý do và trải qua đại dịch Covid -19 nên đến năm 2024, TP.Đồng Hới mới chính thức tham gia Dự án Đô thị Giảm nhựa bằng biên bản cam kết ngày hôm nay. Tuy nhiên, ông Toàn cũng ghi nhận sự nỗ lực của các tổ chức xã hội như hội Phụ nữ, thanh niên của một số xã trên đia bàn thành phố đã triển khai rất hiệu quả việc thu gom rác thải, vận động các đội tàu cá mang rác về bờ.

Tiêu biểu như Hội phụ nữ xã Bảo Ninh với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Dự án đã phát túi lưới, đồng thời vận động đội tàu cá của xã với trên 340 chiếc thường xuyên mang rác về bờ, có tháng thu được tới trên 1,1 tấn rác. Như vậy có thể thấy, nếu chúng ta làm việc một cách thực tâm, trách nhiệm, thì hiệu quả rất cao. Với trách nhiệm triển khai Dự án, ông Toàn mong muốn TP.Đồng Hới sớm trở thành TP. xanh, sạch đẹp, thúc đẩy du lịch phát triển, là một thành phố biển phát triển kinh tế không mâu thuẫn với bảo tồn, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Ban quản lý dự án cam kết sẽ tích cực hỗ trợ cho TP.Đồng Hới giảm rác thải nhựa trong phạm vi và mục tiêu dự án. Thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, song ông Toàn mong muốn những kết quả của dự án sẽ là những nền tảng cơ bản để địa phương lan tỏa, triển khai những nhiệm vụ cụ thể hơn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Và để dự án thành công, rất cần sự quan tâm, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo địa phương đối với mục tiêu giảm nhựa, bảo vệ môi trường như cam kết.

Tại Hội thảo, đại diện WWF cũng đã chia sẻ các kết quả đánh giá ban đầu về hệ thống quản lý chất thải rắn ở Thành phố Đồng Hới nói chung và rác thải nhựa nói riêng; đồng thời đưa ra một số định hướng can thiệp đối với hệ thống quản lý chất thải rắn cho thành phố Đồng Hới trong thời gian tới.

Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở thành phố Đồng Hới nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Đồng Hới khoảng 100,4 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 11,7%, đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Các nguồn phát thải nhiều rác thải nhựa nhất là: Hộ gia đình (47,3%); Nhà hàng (25,9%) và Chợ (19,2%). Ước tính lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường là khoảng 3,36%. Tuy nhiên, sau khi đánh giá những rủi ro liên quan tới lối sống, địa hình và hệ thống quản lý chất thải rắn, tỷ lệ này có thể lên tới khoảng 8,08% trong tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh.

Qua số liệu về rác thải của địa phương, nhóm tư vấn đề xuất các giải pháp: Truyền thông, nâng cao nhận thức và giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng tái chế nhựa trong cộng đồng, hộ gia đình, khối kinh doanh và chợ; Thí điểm các mô hình liên quan tới giảm nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng nhựa, giảm phát thải ra môi trường; Xóa các điểm nóng về rác thải, cung cấp giải pháp giải quyết tình trạng thất thoát rác ra thiên nhiên nhiên và chống tái ô nhiễm; Thúc đẩy thí điểm các mô hình phân loại rác, cải thiện thu gom và xử lý rác thải đồng thời tăng cường tuần hoàn rác thải.

ky-ket-1.jpg

Cũng trong Hội thảo, Lễ ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa đã được thực hiện với đại diện của UBND TP.Đồng Hới, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và WWF –Việt Nam. Thành phố Đồng Hới cam kết đến năm 2030 sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên trên địa bàn thành phố; Cam kết triển khai thí điểm các hoạt động can thiệp để cắt giảm phát thải nhựa từ đầu nguồn, tăng cường các biện pháp xử lý – tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn; thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, kiểm soát ô nhiễm để giảm tối đa thất thoát rác nhựa ra môi trường; Cử nhân sự phù hợp làm đầu mối phụ trách phối hợp thực hiện các hoạt động và tham gia đầy đủ cùng với Sáng kiến Đô thị giảm nhựa; Thực hiện các công tác giám sát – đánh giá hiệu quả các hoạt động can thiệp, thực hiện báo cáo định kỳ và chia sẻ tiến độ lên trang www.plasticsmartcities.org

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng, Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ, thông qua WWF-Việt Nam, được tiếp nhận bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, giao cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, là cơ quan chủ quản phía Việt Nam. Dự án được triển khai ở cấp Trung ương và 10 địa bàn trong đó thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO