TP. Đà Nẵng: Phát triển cây xanh đô thị bền vững

17/12/2013 00:00

Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”...

(TN&MT) - Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”, “Thành phố có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới 2012” và mới đây là “Thành phố phong cảnh Châu Á”.
   
  Hơn bao giờ hết, Đà Nẵng không ngừng phấn đấu để xứng đáng là “Thành phố môi trường và đáng sống”. Trong đó, hệ thống cây xanh góp phần không nhỏ vào những giải thưởng đó. Tuy nhiên, cơn bão số 11 vừa qua đã gây thiệt hại một số lượng lớn cây xanh (Báo TN&MT số 868 ngày 24/10/2013 có bài viết: “Cây xanh bị ngã đổ không chỉ do bão!” phản ánh vụ việc này). Do vậy, TP. Đà Nẵng cần nhanh chóng tìm ra giải pháp phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững. Vấn đề này được các đại biểu HĐND TP quan tâm tại Kỳ họp thứ 8, HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII diễn ra từ ngày 11-13/12/2013.
   
Còn nhiều bất cập
   
  Lợi ích mà cây xanh đô thị mang lại cho cuộc sống là điều không thể bàn cãi. Đối với Đà Nẵng, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và khí hậu, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố không thể thiếu tạo nên sức thu hút của thành phố.
   
  Mặc dù, đã có chuyển biến tích cực nhưng hệ thống cây xanh đô thị của TP. Đà Nẵng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan, tỷ lệ diện tích cây xanh, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý và vẫn còn thiếu một số giải pháp đồng bộ cho việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Bên cạnh những nguyên nhân do yếu tố thiên nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc phát triển cây xanh là kinh phí cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Đồng thời, công tác quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành… một cách tùy tiện làm giảm mật độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh múm, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình.
   
   
  Được biết, cây xanh phát triển luôn gắn với đất đai, khí hậu, không gian sống, song hiện cây xanh đường phố được trồng chưa được quan tâm đúng mức, làm xung đột môi trường sống với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Câu chuyện cây xanh được trồng xuống rồi đào bới đem đi diễn ra thường xuyên. Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, cây xanh được trồng dưới đường dây điện, gần hệ thống cấp nước, thoát nước, cáp thông tin nên làm cho cây nghiêng ngã. Nhiều nghịch lý khác cũng diễn ra khi những tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, 30 tháng 4 có vỉa hè rộng, không vướng dây điện lại quy hoạch trồng cây sao đen, chẹo, viết. Đây lại là những loại cây có tán hẹp, sinh trưởng chậm nên nhìn thấy đôi hàng cây dong dỏng. Ngược lại, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ lại trồng cây đại mộc như xà cừ, muồng tím có khả năng sinh trưởng nhanh bỗng chốc chọc thẳng vào đường dây trung và hạ thế. Thiết kế quy hoạch trồng cây xanh quá đơn điệu, cứng nhắc, rập khuôn với việc trồng cây xanh chỉ 1 hàng, khoảng cách 6 - 10 mét/cây.
   
Những giải pháp góp phần xã hội hóa phát triển cây xanh
   
  Để tăng cường việc quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng khi thiết kế quy hoạch xây dựng phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về quỹ đất cây xanh đô thị theo quy định trong quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng hiện hành; trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh; việc chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định và dành quỹ đất phát triển vườn ươm cây xanh; đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; phát động chương trình hộ gia đình tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh khu vực nhà mình, trên các tuyến phố đã quy hoạch… và theo quy định về chủng loại cây trồng.
   
  Theo kinh nghiệm của người dân, với những tuyến đường có lề hẹp không thể trồng cây lớn phải sử dụng khung thép tạo thành vòm bắc qua đường rồi trồng cây dây leo. Tùy theo vị trí cụ thể để bố trí từ 1 đến 2 khung liên tiếp để thay đổi không gian, làm phong phú thêm cho cảnh quan của trục đường. Ngoài ra, để bổ sung thêm cây xanh cho đô thị thì cần có thêm các bức tường cây xanh hay còn gọi là vườn thẳng đứng ở các nơi, như: cổng chào, dải phân cách… sẽ làm dịu bớt căng thẳng và về mặt mỹ quan cũng sinh động hơn. Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn trồng cây xanh trên các tuyến đường, cách trồng cây đã được UBND thành phố quy định chi tiết. Cần lưu ý, khi trồng cây phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; phải cắt dây buộc bầu rễ; loại bỏ tất cả xà bần, phế liệu xây dựng, bê tông, nhựa đường, cát, đá khỏi hố; Cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng...
   
  Đối với công tác giám sát, nghiệm thu, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiêm Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu: Hội đồng nghiệm thu phối hợp với chính quyền địa phương cùng tham dự giám sát trong quá trình thi công (lưu ý hố trồng cây). Đồng thời cho phép đào ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng hố, hỗn hợp đất trồng cây, bầu rễ… khi nghiệm thu bàn giao công trình. Ngoài những giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, thi công, giám sát, nghiệm thu, cần phải tích cực tuyên truyền, vận động trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Duy trì phong trào “Ngày chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”, “Tết trồng cây”, “Khuyến xanh”… Mặt khác, chính quyền các cấp cần có biện pháp chế tài mạnh để xử lý người vi phạm xâm hại đến cây xanh, hoa, kiểng. Để cải thiện hệ thống cây xanh trên địa bàn Thành phố nhất là cây xanh ngã đổ sau bão số 11, UBND TP. Đà Nẵng đã có Thông báo số 378/TB-VP ngày 03/12/2013 của về giải pháp quản lý, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.
   
  Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND Thành phố khóa VIII diễn ra ngày 12/12/2013 các đại biểu HĐND đề nghị Thành phố cần có chủ trương xã hội hoá về trồng và bảo vệ cây xanh. Việc xã hội hóa để vận động nhân dân, từng hộ gia đình trồng và bảo vệ tốt hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn thông qua việc phân bổ cây cho các hộ gia đình trồng và tự chăm sóc. Đồng thời, các đại biểu cho rằng lượng lớn cây xanh ngã đổ trong bão số 11 cho thấy công tác trồng, chăm sóc cây xanh đô thị còn bất cập và đề nghị xử lý công khai trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng này.
   
  Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn góp phần tạo nên không gian văn hóa, chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa, phản ánh trình độ văn minh của một đô thị. Chính vì vậy, việc quy hoạch, trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở TP. Đà Năng  là việc cấp bách, cần làm ngay.
   
ANH DŨNG - NI NA
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Đà Nẵng: Phát triển cây xanh đô thị bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO