TP. Cần Thơ nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông

Lê Hùng (thực hiện)| 28/12/2021 10:10

(TN&MT) - Nhằm đưa công tác quản lý khoáng sản - cát sông trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả, TP. Cần Thơ đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung quản lý chặt việc cấp phép, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ.

Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

PV: Xin ông cho biết công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên địa bàn thành phố trong thời gian qua như thế nào?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn thành phố theo đúng các quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, thẩm định và giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản cát được Sở TN&MT thực hiện đúng trình tự, thủ tục; lộ trình cấp phép hoạt động khoáng sản cát theo Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sở đã tổ chức kiểm tra tọa độ vị trí khai thác cát, vị trí giới hạn cắm bảng hiệu, phạm vi diện tích khai thác theo giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp cũng như công suất, phương tiện khai thác đã đăng ký hoạt động; rà soát, nhắc nhở để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản - cát sông thực hiện kịp thời nghĩa vụ tài chính theo quy định về tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, thuê đất có mặt nước, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Đồng thời, tăng cường thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên địa bàn thành phố. Với sự quản lý, phối hợp kiểm tra chặt chẽ, từ đầu năm 2021 đến nay, không có tình trạng khai thác cát sông trái phép trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đa số các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát chấp hành tốt các quy định pháp luật về khoáng sản. Với trường hợp thực hiện không đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xử lý nghiêm.

PV: Ông có thể chia sẻ một số khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn thành phố?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tại khu vực ĐBSCL chưa có các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo về khai thác mỏ, địa chất thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Mặt khác, phần lớn thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản từ 3 - 5 năm nên khi doanh nghiệp cử người đi học để bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ thì thời gian đi học chiếm gần hết thời hạn Giấy phép, chưa kể quy định đòi hỏi Giám đốc điều hành mỏ phải có thời gian trực tiếp khai thác khoáng sản tại mỏ lộ thiên ít nhất là 2 năm, hoặc 3 năm, 5 năm tùy theo bằng cấp khai thác mỏ, địa chất thăm dò.

Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra tình trạng chủ giấy phép ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ để đáp ứng theo các quy định, nhưng khi cơ quan chức năng đến kiểm tra trên khai trường thì rất ít khi có mặt của Giám đốc điều hành mỏ. Cùng với đó, trong thời gian qua, công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát san lấp trên sông Hậu do các tỉnh, thành thực hiện riêng lẻ theo ranh giới đơn vị hành chính. Khi mỏ cát bên này sông khai thác trước, theo thời gian sẽ dẫn đến thay đổi giảm trữ lượng của mỏ cát bên kia, lòng sông có độ sâu chênh lệch tạo dòng xoáy cục bộ, không ổn định, mất cân bằng tự nhiên trong lưu vực sông, gây thất thoát lãng phí cát lòng sông, ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thăm dò của mỏ cát trước đây.

TP. Cần Thơ hiện đang siết chặt việc cấp phép khai thác cát trên sông Hậu

PV: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn thành phố, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Thảo:

Hiện tại, Cần Thơ đã cùng các tỉnh giáp ranh như An Giang, Đồng Tháp ký Quy chế phối hợp về việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cát sông vùng giáp ranh địa giới hành chính, thông báo bằng văn bản và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở TN&MT, gửi các cơ quan, địa phương liên quan thông tin về công suất khai thác, số lượng, số hiệu của phương tiện được phép khai thác cát để nắm, chủ động trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các hoạt động của chủ giấy phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời các hành vi khai thác cát trái phép, không phép.

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành phố đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe, tránh tái vi phạm. Trường hợp cần thiết, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND TP. Cần Thơ thu hồi Giấy phép khai thác cát theo quy định.

Để công tác quản lý khoáng sản tại địa phương đạt hiệu quả cao hơn, Sở TN&MT TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ, ngành Trung ương ban hành Thông tư quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát trong quản lý khai thác cát sông nhằm giúp Sở TN&MT quản lý chặt chẽ, khoa học, chính xác, xử lý kịp thời các hành vi khai thác cát trái phép; triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát san lấp cho toàn tuyến sông lớn như sông Hậu, sông Tiền để các tỉnh, thành cấp phép khai thác theo lộ trình thích hợp, đảm bảo tính đồng về độ sâu hai bên bờ, tránh tạo dòng xoáy cục bộ, ổn định đường bờ, không làm mất cân bằng tự nhiên trong lưu vực sông, không gây thất thoát lãng phí cát lòng sông.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO