(TN&MT) - Qua hơn 4 năm UBND TP Cần Thơ đề ra kế hoạch, thực hiện chủ đề “Trật tự, kỷ cương đô thị” tình trạng lấn, lấp kênh rạch, chiếm đất công, xây dựng trái phép vẫn đang xảy ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng…
![]() |
Vẫn xảy ra phổ biến
Trước khi ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND (ngày 07/3/2011) thực hiện chủ đề “Trật tự, kỷ cương đô thị”, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đặc biệt chú trọng việc xử lý hiện trạng lấn, lấp kênh rạch tự nhiên, chiếm đất công.
Trong năm 2011 – năm đầu triển khai, các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương của thành phố đã tổ chức 18.641 cuộc tuyên truyền cho gần 1 triệu lượt người; công bố qui hoạch mới, rà soát hủy các qui hoạch hết hạn, tăng cường thanh kiểm tra xử lý 194.683 vụ vi phạm thuộc 3 lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; cảnh quan, môi trường; quy hoạch, xây dựng, xử phạt 162.162 vụ, tổng số tiền phạt hơn 98,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực quy hoạch, xây dựng phát hiện 1.910 vụ, xử phạt 928 vụ. Điển hình, 3 quận trung tâm thành phố (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng) phát hiện gần 1.000 vụ vi phạm trật tự quy hoạch, xây dựng, xử phạt trên 800 vụ.
![]() |
Thế nhưng, 3 năm gần đây việc thực hiện các biện pháp quản lý chưa đủ hiệu lực tạo chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực này. Thậm chí tình hình còn diễn biến phức tạp – đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất công ven các tuyến kênh rạch xây dựng công trình trái phép rất nan giải.
Theo đánh giá của UBND TP.Cần Thơ, tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm vỉa hè, sông rạch hành lang an toàn giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng môi trường, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
![]() |
Chưa có một chương trình đồng bộ
Đến nay, thành phố vẫn chưa có một chương trình đồng bộ, đầy đủ nhằm giải quyết hiệu quả, triệt để tình trạng lấn chiếm đất công, khôi phục hệ thống kênh rạch tự nhiên trên địa bàn. Việc khảo sát, xác định, thống kê chính thức, đầy đủ về diện tích đất công tại các tuyến kênh rạch bị cư dân, các đơn vị, doanh nghiệp lấn, lấp, xây công trình trái phép, sai phép, không phép để có phương án giải quyết vẫn chưa được thực hiện.
Dù tại nhiều cuộc họp luận bàn phương án giải quyết vấn nạn ngập lụt, ý kiến phân tích cơ quan hữu quan đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên đã bị lấp dần. Tuy nhiên, ngoài việc đề xuất xây dựng dự án, kêu gọi đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng thì phương án xử lý, thu hồi diện tích đất công bị lấn chiếm, khôi phục hệ thống kênh rạch tự nhiên trên địa bàn chưa cơ quan nào đề cập một cách cụ thể, khả thi.
![]() |
Trong khi đó, nhiều tuyến kênh rạch tự nhiên đã và đang bị xóa sổ, báo chí, cử tri phản ánh nhiều lần, kéo dài nhiều năm chính quyền địa phương vẫn không thực hiện biện pháp ngăn chặn, xử lý. Khảo sát thực tế một số con rạch tự nhiên như rạch Sao, rạch Phụng dẫn từ sông Bình Thủy ra rạch Bà Bộ (thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy), cả 3 con rạch này dài trên 3km đều đã và đang bị ít nhất 40 hộ dân lấn, lấp, chiếm đất công xây dựng trái phép, xả rác thải, thu hẹp dòng chảy, ô nhiễm trầm trọng.
![]() |
Nối rạch Bà Bộ là rạch Từ Hổ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) rộng hơn chục mét, dài khoảng 5km dẫn ra sông Cần Thơ cũng đã và đang bị lấn, lấp, ô nhiễm. Riêng đoạn qua khu vực 4, có ít nhất 20 căn nhà xây lấn rạch. Rạch Mương Lễ (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), trước đây rộng khoảng 10m, nước ra vào thông thoáng, người dân dùng nước dưới rạch sinh hoạt nhưng cũng vì người dân xây dựng nhà lấn chiếm và mọi chất thải đều tuôn xuống rạch nên đã ô nhiễm.
Trong quận Ninh Kiều, còn nhiều rạch tự nhiên như rạch Chùa, rạch Bà Nga… cũng đều đã và đang bị lấn, lấp, chiếm đất công xây dựng trái phép, cản trở dòng chảy, ô nhiễm trầm trọng. Ở tất cả các quận, huyện trong thành phố tình trạng lấn, lấp kênh rạch tự nhiên, chiếm đất công, xây công trình trái phép đều đã và đang diễn ra trước mắt, rất bức xúc.
![]() |
Quy trách rõ nhiệm quản lý để xử lý
Mới đây Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND cấp quận, huyện tăng cường thực hiện trình tự quản lý qui hoạch; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị; nâng cao ý thức cộng đồng về trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng và tập trung thanh kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
![]() |
Theo chức năng nhiệm vụ, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải phải thường xuyên phối hợp với UBND cấp quận, huyện thực hiện thanh kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng sai qui hoạch; quản lý sử dụng đất, xử phạt hoặc đề xuất xử lý các trường hợp lấn chiếm sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích; kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang bảo vệ đường thủy nội địa.
Chủ tịch UBND cấp quận, huyện phải thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; ban hành kịp thời Quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Công an thành phố, chỉ đạo Công an quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Thanh tra các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình; quyết định cưỡng chê phá dỡ công trình vi phạm của cấp có thẩm quyền theo quy định.
![]() |
Các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Thực hiện nghiêm, đúng thời hạn theo yêu cầu trong Quyết định đình chỉ thi công xây dựng như: cắt điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng thời hạn các yêu cầu trong Quyết định cưỡng chế, phá dỡ của cấp có thẩm quyền.
Chỉ thị nêu rõ: Sở Xây dựng có trách nhiệm kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, tổ chức, cá nhân được phân công, quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm trên địa bàn mình quản lý; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác kiểm tra, xử lý và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Bài và ảnh: Hùng Minh