Tổng cục Quản lý đất đai: Bước đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Trường Giang| 29/12/2020 10:01

(TN&MT) - Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện công tác này, hiện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đang thí điểm triển khai Cổng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, kết nối liên thông với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai cho biết, với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc đã được Chính phủ khai trương đưa vào vận hành chính thức vào ngày 9/12/2019.

Tổng cục Quản lý đất đai đang thí điểm triển khai Cổng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai

Đồng hành cùng Chính phủ, ngay đầu năm 2020, đứng trước bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Bộ TN&MT đã sớm chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung cao độ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai.

Đồng thời, thực hiện rà soát, tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 để tổ chức triển khai tại địa phương, đồng thời tiến hành tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bộ TN&MT.

Nhờ chỉ đạo này nên khi Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo về việc triển khai kết nối, tích hợp và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục về đất đai thì: Hầu hết các tỉnh đã sẵn sàng để triển khai kết nối ngay với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; ở Trung ương, Tổng cục Quản lý đất đai cũng thí điểm triển khai Cổng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, kết nối liên thông với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ động phối hợp với Tổng cục Thuế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) tổ chức tập huấn tới các cơ quan đăng ký đất đai ở địa phương.

Kết quả, đến nay đã có 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bình Định, Thái Nguyên và Tây Ninh triển khai chính thức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, tại Vĩnh Phúc, sau khi tập huấn, mặc dù mới triển khai trên địa bàn của 2 chi nhánh là huyện Vĩnh Yên và Bình Xuyên, từ ngày 8/12/2020 đến hết ngày 22/12/2020 đã giải quyết được 46 giao dịch với số tiền giao dịch qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 278 triệu.

Mặc dù mới trong giai đoạn ban đầu nhưng kết quả đạt được đã chứng minh đây chính là một trong những bước ngoặt tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 của Chính phủ.

Do đó, để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Cục Đăng ký đất đai có một số kiến nghị, đề xuất như sau: Trước mắt, nhằm đảm bảo mục tiêu kết nối, tích hợp Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tổ chức triển khai đến các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương để thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ Quý I năm 2021 theo yêu cầu của Chính phủ.

Tổng cục Quản lý đất đai cần tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức tập huấn để nhân rộng trên phạm vi cả nước; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường sớm triển khai nhóm dịch vụ về cấp GCN và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Bộ TN&MT và đặc biệt là các địa phương, sau khi kết nối cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân biết đến sự thuận lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng khi thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Về dài hạn, cần giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc: Hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hệ thống này. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin đất đai đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ra quyết định của các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát việc sử dụng tài nguyên đất, hỗ trợ quá trình cải cách hành chính và phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống thông tin đất đai, trong đó nghiên cứu kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trong tình hình mới.

Đặc biệt, cần đề xuất cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế nói chung và chính sách thu từ đất nói riêng, duy trì một hệ thống chính sách thuế sử dụng đất gắn với hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính nhằm tăng nguồn thu từ đất.

Bởi trong những năm qua, nguồn thu từ đất qua tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chưa tính đến các loại phí, lệ phí (kể cả trước bạ), thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đã tăng đáng kể cho ngân sách qua các năm. Cụ thể, nguồn thu từ đất trong 5 năm đạt 617.400 tỷ đồng; trong đó năm 2015 là 67.548 tỷ đồng đến năm 2019 là 184.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Quản lý đất đai: Bước đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO