Tổng cục Môi trường: Bảo vệ trụ cột phát triển bền vững

Mai Dung| 04/08/2022 15:13

(TN&MT) - Năm 2016, Liên hợp quốc bắt đầu xếp hạng phát triển bền vững (SDC) đối với các quốc gia trên toàn cầu thông qua 154 tiêu chí liên quan đến các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người; trong đó có nhiều tiêu chí liên quan tới phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái.

Điều đáng mừng là, Việt Nam đã có những bước tiến khả quan trên bảng xếp hạng này, từ vị trí 88 trong năm đầu tiên đã vươn lên vị trí 49 vào năm 2020. Với sự đóng góp tích cực của ngành môi trường trong suốt quá trình triển khai các chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường quốc gia ngày càng hoàn thiện.

Dấu ấn thời kỳ “non trẻ”

Hình thành từ trước khi Bộ TN&MT ra đời, sau khi sáp nhập vào Bộ, Cục Bảo vệ môi trường khi đó đứng trước áp lực không nhỏ do tình trạng ô nhiễm môi trường tích lũy đang gây bức xúc trên diện rộng trong xã hội. Ô nhiễm do chất thải rắn, nước thải, khí thải, bao gồm cả chất thải nguy hại từ làng nghề, khu công nghiệp, đô thị, nông thôn, bệnh viện, giao thông, khai khoáng, vận tải, nuôi trồng thủy sản, lương thực… đến mức Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Quyết định 64, công bố danh sách các doanh nghiệp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được xử lý trong thời hạn nhất định. Đó là thời điểm ngành môi trường “non trẻ” phải gồng mình đối phó với thực trạng ô nhiễm, đi từ bước kiểm kê nhận diện nguồn thải, xử lý vi phạm tới kiểm soát, giám sát nguồn thải; công tác kiểm tra, thanh tra trở nên đặc biệt quan trọng.

t24.jpg

Lãnh đạo Bộ TN&MT và các cán bộ Tổng cục Môi trường chụp ảnh kỷ niệm tại tọa đàm 10 năm xây dựng và phát triển.

Nhưng ngay ở thời điểm mà cán bộ môi trường còn rất thiếu thốn đó, ngành môi trường đã ghi dấu ấn đáng nhớ. Tiêu biểu nhất là vụ đưa ra ánh sáng việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vedan gian lận trong thiết kế đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai. Sự kiện lãnh đạo công ty này cúi đầu nhận lỗi cho thấy, ngành bảo vệ môi trường Việt Nam đã quyết liệt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc xả thải gây ô nhiễm phải khắc phục hậu quả theo luật định. Tương tự như vậy là trường hợp lãnh đạo nhà máy đóng tàu Huyndai phải nhận lỗi và khắc phục hậu quả do việc xử lý xỉ thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường dân sinh. Bên cạnh đó là hàng loạt doanh nghiệp phải tạm thời đình chỉ hoạt động các bộ phận gây ô nhiễm để khắc phục hậu quả. Sự kiện “Làng ung thư Thanh Sơn” Phú Thọ cũng là một điển hình cho thấy Bộ TN&MT đã đi tới cùng trong việc phát hiện, xử lý và bảo vệ người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm. Thực tế này đã hình thành các quy định xử phạt hành chính ở mức cao hơn đối với các cơ sở vi phạm, buộc các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm trên địa bàn; đồng thời, hình thành các chính sách hỗ trợ BVMT như phí BVMT, Quỹ BVMT, Chương trình BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai.

Cũng trong giai đoạn này, các hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục đã được đẩy mạnh, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường, đồng thời huy động có hiệu quả các nguồn vốn ODA cho công tác BVMT. Nhiều chương trình dự án lớn về BVMT đã được thực hiện với các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển... và với sự tài trợ thực hiện của các tổ chức quốc tế khác như: UNDP, UNEP, WB, GEF, ADB, GIZ, JICA... Duy trì có hiệu quả hoạt động của Văn phòng Tổ chức các Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (Văn phòng ASOEN Việt Nam)…

Những bước đi chủ động

Vượt qua giai đoạn bị động ứng phó, gồng mình giải quyết các vấn nạn ô nhiễm, Tổng cục Môi trường đã từng bước chuyển sang chủ động kiểm soát, giám sát phòng ngừa, hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Với phương thức phối kết hợp với các địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh, Tổng cục Môi trường đã quản lý tốt 20 - 30% cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường.

t24a.jpg

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho Lãnh đạo Tổng cục Môi trường.

Đặc biệt, từ năm 2017, các hoạt động thanh tra được tập trung vào các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày. đêm trở lên, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, đầu tư cho môi trường, bước đầu đã tạo được dư luận tốt trong cộng đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT cho thấy, tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm đáng kể, đến năm 2021 giảm 2,2 lần so với năm 2015.

Đến nay, có tới 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom, xử lý 96,28% chất thải rắn khu vực đô thị, 90% chất thải nguy hại; trên 50% tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng; 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; phát hiện và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, 21 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 85% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; hiện trạng tồn lưu dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn.

Tổng cục Môi trường được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở kiện toàn bộ máy, nhân sự của 3 đơn vị là Cục Bảo vệ môi trường, Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường. Qua 2 lần kiện toàn, đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT. Tổng cục Môi trường có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về BVMT và đa dạng sinh học trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật. Sự ra đời của Tổng cục Môi trường là một bước quan trọng trong tiến trình quy hoạch và nâng cấp cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành môi trường ở nước ta.

Đáng chú ý, để có các dữ liệu, các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường ở các phạm vi khác nhau phục vụ quản lý BVMT, Tổng cục Môi trường đã nỗ lực xây dựng được 1.234 trạm quan trắc (276 trạm quan trắc môi trường xung quanh, 959 trạm quan trắc phát thải tự động liên tục) truyền số liệu trực tiếp về Bộ TN&MT. Thực hiện tốt hoạt động quan trắc môi trường định kỳ tại 635 điểm với tần suất từ 2 đến 6 đợt/năm, tập trung trọng tâm vào các đô thị, lưu vực sông chính, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp. Những trạm quan trắc này như những “người lính” canh phòng ô nhiễm.

Bên cạnh đó, việc vận hành đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ người dân, cộng đồng; ứng dụng Envisoft dùng cho cơ quan quản lý theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc; xây dựng, đưa vào khai thác Ứng dụng VN Air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng đã làm thay đổi chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Khảo sát của PAPI vào năm 2016 cho thấy, sau đói nghèo, môi trường là vấn đề quan ngại thứ 2 của người dân với tỷ lệ 12,53%. Nhưng, đến năm 2021, chỉ số này đã giảm xuống thứ 10 với tỷ lệ 8,85%.

Xây dựng nền tảng cho môi trường xanh

Người dân đã tin tưởng hơn vào các cơ quan quản lý trong việc BVMT, Đảng và Nhà nước cũng đã ghi nhận những nỗ lực của ngành môi trường thông qua việc tặng thưởng Huân chương, Bằng khen. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, công cuộc bảo vệ môi trường chưa bao giờ là dễ dàng.

t24b.jpg

Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đơn cử như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến việc xả thải của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (một trong những sự cố lớn nhất về môi trường từng xảy ra tại nước ta) đã từng khiến nhiều người lo lắng, nếu Bộ TN&MT cũng như Tổng cục Môi trường không triển khai quyết liệt các công việc thì Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ không thừa nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam và cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển.

Qua những vấn đề xảy ra trong thực tiễn, cơ quan quản lý đã nhìn thấy những lỗ hổng trong vấn đề pháp lý, nhận ra những quy định chưa phù hợp trong tình hình mới. Từ đó, rà soát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong BVMT và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Chỉ trong 5 năm gần đây, Tổng cục đã xây dựng và ban hành 1 Luật, 8 Nghị định,14 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ,17 Thông tư, 12 QCVN, 11 TCVN. Trong đó, nổi bật là trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, tạo đột phá đưa công tác BVMT thực sự là trụ cột của quá trình phát triển.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT. Luật cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường… Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với việc tái chế sản phẩm, xử lý chất thải.

Việc xây dựng, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ đã hạn chế được số lượng lớn những vụ buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã, góp phần bảo tồn các nguồn gen quý; phòng, chống các loài ngoại lai xâm hại; chủ động phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh; giám sát các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đáp ứng đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Bộ TN&MT, sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Tổng cục Môi trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế so với các năm trước đây; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo, kiểm soát, đặc biệt là các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường. Các chỉ số về BVMT đã góp phần quan trọng trong việc đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016. Với những nỗ lực và thành tích đạt được, Tổng cục Môi trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ Thi đua cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT, nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Ngoài ra, các tập thể, cá nhân trực thuộc Tổng cục cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, Tổng cục Môi trường đã chủ động, tích cực tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT; là đầu mối quốc gia của 9 điều ước và 3 thỏa thuận quốc tế, hàng trăm dự án hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Đồng thời, tổ chức thành công nhiều sự kiện về môi trường lớn ở trong nước và quốc tế; thực hiện xuất sắc vai trò đầu mối hợp tác ASEAN về môi trường với nhiều sự kiện quốc tế được trao quyền đăng cai tổ chức như Hội nghị lần thứ 21 của Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ theo hình thức trực tuyến; Phiên họp lần thứ 5 Đại hội đồng môi trường Liên hợp quốc - UNEA-5. Qua đó, ứng phó, giải quyết tốt nhiều vấn đề môi trường toàn cầu, tác động môi trường xuyên biên giới.

Có thể thấy, những nỗ lực xây dựng và thực hiện các Chiến lược quy hoạch BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, tổng thể quan trắc môi trường quốc gia của ngành môi trường không chỉ hỗ trợ trực tiếp, đắc lực cho công cuộc phát triển bền vững đất nước mà còn đóng góp to lớn cho quá trình bảo vệ, phục hồi môi trường sống, bảo vệ sinh thái cho các thế hệ tương lai của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Môi trường: Bảo vệ trụ cột phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO