Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu ý kiến về việc khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

Thanh Tùng| 09/04/2022 13:56

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ban hành Công văn số 389/TCKTTV-QLDB về việc khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Ngày 3/4/2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận được Công văn số 181/VPTT của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai gửi Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện sớm so với quy luật.

1.jpg
Ảnh minh họa

Trong Công văn số 181/VPTT đã nêu “theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế (windy, ventusky,...), khoảng từ ngày 7-8/4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam biển Đông và 2 cơn bão phía Đông Philippin có khả năng đi vào biển Đông” và đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang triển khai ứng phó. Sau khi rà soát các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn và xem xét thông tin, dữ liệu thu nhận được, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có ý kiến như sau:

Tương tự như nhiều trang tin điện tử khác, các trang www.windy.com, www.ventusky.com nêu trong Công văn số 181/VPTT chỉ đơn thuần hiển thị các sản phẩm dự báo khách quan từ các mô hình thời tiết toàn cầu như GFS của Hoa Kỳ, IFS của Châu Âu, CME và ICON của Đức, vv... Sản phẩm của các mô hình này thường thay đổi liên tục, cùng dự báo một đối tượng (như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn) cho cùng một thời điểm, nhưng các kết quả dự báo ngày hôm trước và ngày hôm sau có thể rất khác nhau, thậm chí thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, vẫn cần phải có sự phân tích, đánh giá các sản phẩm tham khảo này theo các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn về khí tượng thủy văn, cùng với việc khai thác, sử dụng nhiều thông tin, dữ liệu khác trong quá trình tác nghiệp, mới có thể đưa ra được các bản tin dự báo chính thức có độ tin cậy cao.

Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam cũng như Quốc tế đều chưa đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo chính thức, do khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông trong khoảng thời gian từ ngày 5-8/4/2022 là rất thấp (<10%). Như vậy, theo quy chuẩn, quy định kỹ thuật về khí tượng thủy văn là chưa đủ độ tin cậy để ban hành bản tin dự báo, cảnh báo về bão, áp thấp nhiệt đới, để triển khai các hoạt động ứng phó.

Công văn cũng nêu rõ, tại Điều 27 của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, về sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã quy định: “Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn mới nhất do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành”.

Theo đó, việc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai sử dụng các thông tin tham khảo từ các tổ chức quốc tế, nêu trong Công văn số 181/VPTT để đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là chưa phù hợp với quy định của Luật Khí tượng thủy văn, có thể gây khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật, đồng thời có thể gây ra hoang mang trong dư luận, xáo trộn đời sống của nhân dân, lãng phí các nguồn lực xã hội.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia căn cứ quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai, ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong phạm vi toàn quốc và cung cấp kịp thời cho các cơ quan, tổ chức theo quy định. Các bản tin dự báo, cảnh báo này phải luôn bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu nói chung, bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nói riêng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên phạm vi cả nước để góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững, bảo đảm sự an toàn của người dân, cộng đồng trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến bất thường, cực đoan như hiện nay.

Trước đó, ngày 4/4/2022, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế (Windy, Ventusky) nhận định, khoảng từ ngày 7-8/4/2022 có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào biển Đông.

Nhằm chủ động ứng phó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Ngày 5/4/2022, đưa ra nhận định về khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão trong 10 ngày tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, cùng với sự hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc trong thời gian từ 4 đến 7/4, rãnh áp thấp xích đạo đang dần được thiết lập và mạnh dần lên. Rãnh áp thấp xích đạo hoạt động mạnh từ ngày 8/4 sẽ khiến cho khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, bão trên khu vực Nam Biển Đông tăng dần. Cụ thể:

Từ ngày 5-8/4: Khả năng xảy ra xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông là rất thấp (<10%)

Từ 9-12/4: Khả năng xảy ra xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông là trung bình (34-50%)

Sau ngày 12/4: Các dự báo về khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão cho giai đoạn này hiện nay có độ tin cậy thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu ý kiến về việc khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO