Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Gia Lai

13/04/2017 00:00

Báo cáo của tỉnh Gia Lai nêu bật tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn như: kinh tế tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao, giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,81% (tính theo GDP); năm 2016 đạt 7,48%, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (trong đó nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,4%, công nghiệp, xây dựng tăng 8,53%, thuế sản phẩm tăng 10,82%), GDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm, giai đoạn 2010-2015 đạt gần 35 triệu đồng/năm, bằng 70,7% so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2016 đạt 38,2 triệu đồng/năm, bằng 78,6% so với bình quan chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp – dịch vụ tăng nhanh hơn ngành nông nghiệp.

(TN&MT) - Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai, sáng 13/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2010-2015, năm 2016 và quý I -2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của tỉnh Gia Lai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2016 đạt hơn 102% kế hoạch, tăng 3% so với năm 2015; vụ đông xuân 2016 - 2017 đã gieo được hơn 65.000 ha cây trồng các loại, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực. Tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh sách 22 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và đăng ký TP.Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai đã chăm lo đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa thông tin, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; trong đó đặc biệt trú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,18%, từ 27,56% - năm 2010 giảm xuống còn 11,67% - năm 2015. Đến cuối năm 2016, còn 16,55% (theo tiêu chí nghèo đa chiều), tương đương gần 50.000 hộ, trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 47.000 hộ, chiếm tỷ lệ gần 86% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhân dân yên tâm sản xuất, tin tưởng vào đường lối chỉ đạo của Đảng và nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng được trú trọng và triển khai đồng bộ trên phương diện phòng ngừa và đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp… Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm chỉ đạo đạt được nhiều kết quả. Đảng bộ tỉnh Gia Lai hiện có 22 Đảng bộ trực thuộc với 1.013 tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường; ccoong tác xây dựng chính quyền ngày càng được củng cố và kiện toàn.

Tỉnh Gia Lai cũng có 11 đề xuất, kiến nghị với Tổng Bí thư và Đoàn công tác có ý kiến chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ, đầu tư, có chính sách ưu đái đặc thù để phát triển Gia Lai thành một tỉnh giàu mạnh, vững về an ninh chính trị.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nghe một số ý kiến, kiến nghị, đề xuất của một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã phân tích, hướng dẫn, giải thích các vướng mắc, giải pháp, cơ chế thực hiện.

Phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao nổ lực vươn lên, vượt quan nhiều khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Tổng Bí thư cũng biểu dương địa phương có nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Tổng Bí thư lưu ý với tỉnh, những thành tựu đạt được chưa tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Gia Lai hiện vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, môi trường đầu tư chưa tốt, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không được lơ là, chủ quan.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Gia Lai có những thuận lợi cơ bản, cũng là lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương phục vụ cho phát triển. Với diện tích tự nhiên rộng thứ 2 cả nước và rộng nhất khu vực Tây Nguyên; dân số hơn 1,4 triệu người gồm 34 dân tộc anh em; Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng (đất đỏ bazan) thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu); có nhiều quặng khoáng sản quý, có tiềm năng phát triển thủy lợi, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường; là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào.

Tuy vậy, Gia Lai cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, tập quán sản xuất, canh tác còn lạc hậu, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực có hạn. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự xã hội.

Để khai thác lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, Tổng Bí thư cho rằng, trong thời gian tới, Gia Lai cần sáng tạo, tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để vươn lên phát triển mạnh mẽ, quyết liệt hơn, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình của cả nước. Gia Lai cần tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác, xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ không cam chịu đói nghèo, yếu kém so với các tỉnh khác và so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nhất trí với phương hướng nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã xác định, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vẫn phải xác định thế mạnh của Gia Lai là phát triển nông lâm nghiệp trình độ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, theo hướng sản xuất lớn, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), tập trung xây dựng nông thôn mới, chú trọng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng cần chú ý phát triển công nghiệp, du lịch; quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi những tập quán, tập tục lạc hậu; đồng thời phải tổ chức, bố trí sắp xếp lại dân cư.

Tổng Bí thư lưu ý, Gia Lai phải quan tâm giải quyết thấu đáo vấn đề đất đai, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đặc biệt, Gia Lai phải thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó “then chốt” của “then chốt” là công tác cán bộ; phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng, xuất phát từ thực tiễn của Gia Lai; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng vào cuộc, tìm cách giải quyết, trong đó có việc giải quyết được ngay, có việc phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp tháo gỡ.

Chiều cùng ngày (13/4), Tổng Bí thư và Đoàn công tác tiếp tục đến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum.

                                                                        Tin và ảnh: Vũ Đình Năm  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO