Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo

Tín ngưỡng thờ nước ở vùng đồng bằng sông Hồng

Bích Vân 10:14 27/10/2023

(TN&MT) - Định cư quần tụ dọc theo hàng chục con sông lớn nhỏ từ ngàn năm nay, cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn luôn gìn giữ tín ngưỡng thờ nước và nghi lễ thỉnh nước trong các lễ hội dân gian.

nghi-le-ruoc-nuoc-hien-dien-trong-hau-het-le-hoi-dan-gian.jpg
Nghi lễ rước nước hiện diện trong hầu hết lễ hội dân gian ở vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh: Cao Trung Vinh

Thờ nước là tín ngưỡng có tự lâu đời, có thể là từ thời đại các vua Hùng, nó gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt nói chung, nhất là cư dân vùng đồng bằng sông Hồng – nơi mang đậm dấu ấn của văn hóa sông nước. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Khải, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian. Từ bao đời nay, trong bất kỳ nghi thức thờ cúng nào của cư dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, người Việt nói chung, nước cũng là thứ không thể thiếu. Đó là chén nước trên ban thờ gia tiên trong bất cứ dịp nào, là chóe nước/chậu nước trong các nghi thức của đình, của làng…

Ao làng hay giếng làng cùng với cây đa, sân đình từng được coi là “linh hồn” của mỗi làng quê Việt. Bởi đó là nguồn nước sinh hoạt cho cả làng nên luôn được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt bằng những quy định riêng.

Nghi lễ rước nước

Sự tôn quý đối với nước trong tâm thức dân gian còn thể hiện trong nghi thức thỉnh nước (hay còn gọi là rước nước) trong hầu hết lễ hội ở vùng đồng bằng sông Hồng. Thỉnh nước là nghi lễ đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông.

Điểm đặc trưng của nghi lễ rước nước là đều được tiến hành trang trọng tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Nguồn nước để rước đều ở những con sông lớn hoặc giếng nước gắn với lịch sử, câu chuyện về nhân vật phụng thờ ở di tích. Đoàn rước nước thường có quy mô lớn với đầy đủ đội cờ, đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm, đội tế nam quan, nữ quan… Trong nghi thức, chum hoặc chóe sứ cỡ lớn là vật dụng được dùng để đựng nước. Chóe (hoặc chum) được đặt trang trọng trên kiệu bát cống (kiệu do 8 người khiêng). Nước được rước về phải được lấy ở khu vực giữa sông, nơi có nguồn nước tinh khiết nhất. Khi rước về đình/làng, nước thường được dùng để làm lễ; để lau rửa long ngai bài vị của thần trong đình/đền và còn để tưới cây khu vực quanh đình...

chuan-bi-1-.jpg
Chuẩn bị tiến hành nghi lễ rước nước ở Đền Ngự Dội (thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Cao Trung Vinh
tim-vi-tri-thinh-nuoc-chuan.jpg
Đoàn rước nước tiến đến vị trí đẹp nhất khu vực giữa sông để thỉnh nước. Ảnh: Cao Trung Vinh

Bao đời nay, rước nước sông Hồng trở thành nghi thức vô cùng thiêng liêng trong lễ hội ở nhiều vùng dân cư của Thủ đô Hà Nội vào những ngày đầu năm. Tiêu biểu phải kể đến như làng Thổ Khối (quận Long Biên) thôn Xuân Canh (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh); làng Yên Duyên (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai); làng Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ liêm); xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) hay làng Cát Bi (huyện Phú Xuyên)… Riêng làng Nhật Tân (quận Tây Hồ), đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, người dân trong làng lại long trọng tổ chức lễ rước nước từ giữa sông Hồng về đình tế lễ. Nước được lấy từ giữa ngã ba sông, sau khi rước về sẽ được lưu tại đình trong vòng 5 năm vô cùng trân quý…

Vùng đồng bằng phù sa cổ, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) là quê hương của nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, mang đậm sắc thái của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các làng: Bích Chu, Thủ Độ, An Tường, Kim Đê (xã An Tường); làng Vân Giang (xã Lý Nhân); làng An Lão (xã Vĩnh Thịnh) của huyện nổi tiếng với các nghi lễ rước nước.

Bảo tồn và khôi phục nghi lễ rước nước

Ở tỉnh Nam Định, một số lễ hội mùa xuân trong tỉnh đã phục dựng và duy trì nghi lễ thỉnh nước như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên), lễ hội Chùa Nhuệ, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực), lễ hội Đình Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc (Ý Yên), lễ hội Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)… Còn tại nhiều vùng của tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, rước nước còn là nghi lễ đầu tiên, quan trọng, không thể thiếu trong nhiều lễ hội truyền thống ở mỗi địa phương.

nguoi-dan-du-khach-tham-gia-nghi-le-chuan.jpg
Nghi lễ rước nước luôn thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Ảnh: Cao Trung Vinh

Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Với vị trí được bồi đắp bởi những con sông lớn như: sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Tiêu Tương (cổ), sông Dâu… nên tục thờ nước/trị thủy rất phong phú, có ở nhiều địa phương của tỉnh Bắc Ninh. Tiêu biểu là tín ngưỡng thờ tứ pháp là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện… Một số địa phương thờ Thánh Tam Giang dọc sông Cầu, một số vùng thờ các vị thần có công trị thủy như: Thánh Cao Sơn, Quý Minh, Sơn Tinh…

Để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể, lễ hội gắn với thờ nước, trị thủy của tỉnh. Trên cơ sở đó lập hồ sơ một số lễ hội đặc sắc đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia; tăng cường quảng bá lễ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đồng thời, nâng tầm một số lễ hội thông qua đầu tư kinh phí trùng tu, tu bổ, tôn tạo đình chùa miếu mạo… ông Nguyễn Văn Đáp cho biết thêm.

quang-canh-le-hoi-den-vinh-tuong.jpg
Lễ hội Đền Ngự Dội thu hút hàng trăm người tham gia. Ảnh: Cao Trung Vinh

Sự tồn tại của nghi lễ rước nước ở đồng bằng sông Hồng cho thấy sự tôn quý thiên nhiên, tôn quý nguồn nước của cộng đồng. Dù mang nhiều hình thức khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc về ý nghĩa vô cùng cần thiết của nước đối với sự sống và môi trường. Ngày nay, xã hội phát triển, con người sống hiện đại hơn, những điều xưa cũ đang dần bị mai một nhưng tín ngưỡng thờ nước cũng như những nghi thức rước nước trong các lễ hội dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ chắc chắn vẫn được lưu truyền.

“Chừng nào còn sản xuất nông nghiệp, còn có các sản vật nông nghiệp thì chừng đó tín ngưỡng thờ nước hay nghi thức rước nước linh thiêng chắc chắn vẫn còn tồn tại trong tâm thức và đời sống văn hóa của cư dân sông Hồng”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Khải nhận định.

Bài liên quan
  • Phong phú lễ, hội thờ thần nước của các dân tộc vùng ĐBSCL
    (TN&MT)- Nguồn nước có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Vậy nên, vào dịp diễn ra các lễ, hội truyền thống hằng năm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có những nghi lễ thờ cúng thần nước trên sông, ven biển và nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người dân châu thổ Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc
(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO