Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo

Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người Mường ở Thanh Hóa

Vân Khánh 16:46 19/09/2023

Theo nghiên cứu của TS. Quách Công Năm (Trường Đai học Hồng Đức), người Mường ở Thanh Hoá là tộc người bản địa, có đời sống tôn giáo hết sức sinh động. Trong đó, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên khá phổ biến cho thấy, người Mường rất quý đất, quý nước và quý rừng.

Tín ngưỡng về đất

Qua nghiên cứu tín ngưỡng của người Mường ở Thanh Hóa, TS. Quách Công Năm nhận định: Tín ngưỡng dân gian về đất của người Mường biểu hiện sống động, tập trung chủ yếu trong các nghi lễ thờ cúng được đồng bào tổ chức hàng năm.

Người Mường ở Bá Thước cũng có quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Với người Mường, thổ công thổ địa là vị thần đất có trách nhiệm cai quản đất đai và bảo vệ mạng sống, sức khỏe cho dân làng. Vì vậy, người dân ở các làng, các Mường đều dựng nhà (nhá sấn) để thờ vị thần này.

Ở làng Cha (mường Ống), hàng năm vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch, xã chòm, lang đạo tập trung dân làng làm lễ cúng thần. Khoảng 4 đến 5 năm làng tổ chức đại lễ cúng trâu cho thần một lần. Cúng xong cả làng tập trung ăn uống tại nơi thờ thần. Người Mường còn quan niệm mỗi một xứ đồng, thửa ruộng đều có những vị thần cai quản. Vì vậy, thờ thần ruộng trở thành một phong tục phổ biến ở người Mường Thanh Hóa.

Chỉ tính riêng làng Sèo (mường Khô) trước đây có tới 3 nơi thờ thần ruộng ở 3 xứ đồng lớn (đồng Sèo, đồng Cọn, đồng Đớn). Hàng năm, các gia đình cày cấy ở những xứ đồng này tổ chức lễ cúng thần ruộng hai lần trước khi cấy và sau khi thu hoạch với mục đích cầu xin cũng như tạ ơn thần ruộng đã phù hộ các gia đình no ấm.

Đặc biệt, người Mường còn rất quý trọng và giữ gìn đất. Bởi vậy, ở một số làng trong những ngày tết Nguyên đán người ta kiêng kỵ dùng vật nhọn đâm xuống đất để không làm động đến đất... Nhìn chung, đất đai đã được người Mường linh thiêng hoá, biểu thị sự “kính trọng”. Đây là tín ngưỡng bản địa rất đặc trưng của người Mường.

19092023-le-hoi-muong-don-thanh-hoa-2.jpg
Lễ hội Mường Đòn, huyện Thạch Thành (ảnh: Quỳnh Trâm)

Tín ngưỡng về nước

Để có nước ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, trước đây ngoài các quy ước trong việc sử dụng và quản lý để bảo vệ nguồn nước, người Mường còn có những tín ngưỡng về nước, được thể hiện trong các nghi lễ cầu mưa, cầu nước... Nhà dân tộc học Từ Chi đã diễn giải thế giới quan của người Mường bằng mô hình “Vũ trụ 3 tầng - 4 thế giới”. Tầng thấp nhất của vũ trụ là Mương Bua Khụ (Mường Vua Khú). Hiện nay người Mường vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thế giới nước. Loài Khú mà dân gian gọi là Vua Khú (Bua Khú), nó gần giống với quan niệm về vua Thủy Tề của người Việt (Kinh).

TS. Quách Công Năm cho biết, với người Mường ở Thanh Hoá nói chung còn quan niệm vua nước - ma nước - thần nước là vị thần cai quản thế giới nước. Thần nước trong tưởng tượng dân gian của người Mường thuộc loài rắn, có hình thù giống như con thuồng luồng, hay trú ngụ ở những vũng nước sâu, bến nước hoặc sông suối trong làng. Thần nước có thể làm hại đến cuộc sống của dân làng, gây ra lũ lụt, hạn hán khi thần nước không hài lòng với con người.

Một nguồn nước quan trọng đối với người dân Mường xưa ở các làng đó là nguồn nước mó (vó rạac). Trong tâm thức của Mường, đây là nguồn nước ngầm tinh khiết nhất của trời đất, vì thế hầu hết các nghi lễ cần đến nước đều phải sử dụng nguồn nước ngầm này để cúng, đặc biệt trong lễ cúng tổ tiên và lễ cúng trong những ngày tết. Có những nơi người ta còn quan niệm nước mó như là nước thiêng, ai ốm nặng sắp chết cũng muốn uống nguồn nước này.

Người Mường ở mường Khô, mường Ống, mường Ai... trước kia cũng như hiện nay có tục đi lấy nước cầu may đầu năm. Không ai bảo ai nhưng cứ sau thời điểm giao thừa, người dân trong làng tập trung ở mó nước. Người ta cho rằng càng đi sớm thì trong năm đó gia đình càng gặp được nhiều may mắn, được trời đất phù hộ, ban phát phước lành và làm ăn phát đạt vì lấy được nước đầu rồng. Ngoài ra, các ông mo, bà lang trước đây có sử dụng nước mó để chữa bệnh và trừ tà ma. Trong xã hội truyền thống nhiều bản Mường tổ chức lễ cầu mưa, cầu nước “cấu rạac” vào dịp đầu năm. Xưa kia ở một số bản Mường, nếu mó nước ngừng chảy thì xã chòm chuẩn bị một mâm cơm, trong đó phải có một con gà trống trắng, đem cúng tại mó nước cầu xin thần nước cho nước chảy trở lại. Tại sao lại phải cúng gà trắng (kể cả người Mường ở Hòa Bình) cho đến nay người Mường vẫn chưa có giải thích thoả đáng.

Vào cuối tháng ba, đầu tháng tư Âm lịch, đây là thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, lễ cúng nước mới được tiến hành khá đồng bộ ở tất cả các làng Mường ở Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc...

Ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy vào cuối tháng ba, đầu tháng tư Âm lịch, nhiều làng tổ chức lễ mừng nước. Đó là mùa nước dâng, cá lên, người ta bắt nướng, sau đó trộn cá với gạo nếp rồi đồ lên để làm lễ cúng ở đình làng. Ngoài ra, tín ngưỡng về nước còn được biểu hiện qua lễ hội, gắn liền với các trò chơi “rồng rắn lên mây” hay “rồng rắn đánh nhau”... Nhìn chung, nước không chỉ có giá trị trong đời sống hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt, sản xuất... mà nước còn có ý nghĩa trong đời sống tinh thần, được người Mường linh thiêng hoá biểu thị sự “kính trọng” nước, và nước không thể thiếu được trong nhiều trường hợp khác liên quan đến tín ngưỡng.

Tín ngưỡng về rừng

“Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người Mường xưa tin vào việc các cây cổ thụ, đặc biệt là cây si, cây gạo, cây đa, cây sồi… đều có thần. Vì thế, đồng bào kiêng chặt các loại cây này một cách bừa bãi, nhất là ở những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng ma”, TS. Quách Công Năm cho biết.

Theo tập quán cũ, người Mường kiêng sử dụng cây si để làm nhà vì đây là cây thiêng liên quan đến tuổi thọ của con người. Trước đây, người Mường ở mường Ống kiêng chặt những loài cây hiếm, cây cổ thụ như cây chò, cây không mang... Họ quan niệm, cây chò là cây chủ rừng nếu chặt sẽ làm ảnh hưởng đến rừng, người ta còn cho rằng cây chò là cây của ma sú (ma nước) nếu ai lấy cây ấy làm cột nhà sẽ bị ma sú rút xuống đất, nhà sẽ bị đổ.

Các phường săn của người Mường ở mường Khô, mường Ống... trước đây rất kỵ bắn phải những con có chửa nhất là nai chửa. Họ cho rằng sát hại những con vật có chửa là không gặp may, cả mùa săn năm ấy có đi săn cũng không hiệu quả. Theo luật tục, không ai trong làng bản được phép săn bắn, bẻ măng, phát nương làm rẫy... ở trong rừng cấm, rừng thiêng của làng. Nếu ai vi phạm làm cho người thân trong nhà, trong bản bị ốm đau hoặc gặp những điều xúi quẩy thì người đó phải có trách nhiệm mổ lợn, mổ trâu để cúng thần rừng ở đúng nơi đã vi phạm.

Ở một số làng trước đây còn có những kiêng kỵ nghiêm ngặt trong săn bắn. Trong một buổi đi săn người thợ săn nếu gặp một bầy thú cũng chỉ được phép bắn chết một con, nếu bắn tiếp con thứ hai thì phạm vào điều cấm của thần rừng. Ai đó chẳng may vô tình bắn chết con thứ hai thì phải sang tên nhường con vật cho một người khác để chứng tỏ với thần linh là chỉ có bắn một con, nếu không có người để nhường con thú đã trót bắn chết, người thợ săn phải mang cả hai con thú về nhà làm thịt cúng thần rừng, và xin thần rừng bỏ qua cho lỗi lầm đã phạm phải. Ý nghĩa thực chất của tục lệ này là bảo vệ nguồn động vật trong khi săn bắn. Xưa kia, nếu săn được con thú nào lớn (từ con lợn rừng, con nai, con hoẵng trở lên) thì phải làm lễ vái chúa sơn lâm.

Những tàn dư của tín ngưỡng vật tổ (tô tem giáo) trước đây trong xã hội Mường rất đậm nét, do đó người Mường có những kiêng kỵ nhất định trong săn bắn. Họ kiêng săn bắn cũng như ăn thịt những con vật họ cho có quan hệ gần gũi với họ, đã cứu giúp tổ tiên họ. Chẳng hạn như họ Trương kiêng ăn thịt hổ, khỉ; họ Hà kiêng ăn thịt cuốc; họ Bùi kiêng ăn thịt kỳ đà...

Đáng chú ý là tục thờ hổ (cọp), có khi người ta thờ tinh con hổ đã ăn thịt nhiều người và thờ người bị hổ ăn thịt. Tất cả nhằm mục đích cho làng xóm được an lành. Tục này trước Cách mạng tháng Tám còn thấy ở Thạch Lâm, Thạch Tượng (Thạch Thành), Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và nhiều nơi khác.

Ở làng Sèo (thuộc mường Khô trước đây), dòng họ Trương Công thờ thần hổ và kiêng ăn thịt hổ. Trưởng dòng họ Trương Công hiện nay vẫn còn giữ bàn thờ hổ của tổ tiên để lại. Lý do thờ hổ được các cụ trong dòng họ kể lại rằng, con hổ đã cứu ông tổ nhiều đời của dòng họ này thoát qua một kiếp nạn và từ đó thề không ăn thịt hổ và thờ hổ như một vị thần cứu tinh. Để nhớ công ơn đó dòng họ này đã lập bàn thờ thờ hổ như thờ tổ tiên của mình.

Nhìn chung, tín ngưỡng về rừng của người Mường gắn liền với những tín ngưỡng tô tem và những kiêng kỵ trong khai thác động thực vật. Đây là loại hình tín ngưỡng bản địa sơ khai còn tàn dư đậm nét trong đời sống tôn giáo của người Mường.

Bài liên quan
  • Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái ở Quan Sơn
    Đời sống văn hóa các dân tộc ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) phản ánh sinh động sâu sắc sự đoàn kết chung sống, hòa hợp giữa các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông... Trong đó dân tộc Thái có lịch sử cư trú lâu đời và có số dân đông nhất huyện Quan Sơn mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử. Để hiểu rõ hơn về những nét nổi bật trong văn hóa của đồng bào Thái, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quan Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người Khơ Mú (Mường Chà) giữ hồn dân tộc
(TN&MT) - Cuối năm, trời Điện Biên nắng vàng như rót mật. Quốc lộ 12 đen lĩnh như tấm lụa vắt ngang giữa đại ngàn. Độ này, hoa dã quỳ nở khắp cung đường, vàng xuộm. Bản Khơ Mú bình yên, khiêm tốn bên dòng Nậm Mức. Cả bản Púng Giắt , xã Mường Mươn có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm mạnh còn 22,85%. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng họ vẫn hào sảng say sưa hát, say sưa múa… lạc quan và yêu đời như vốn tự nhiên có của mảnh đất này...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO