Cử tri tỉnh Sóc Trăng phản ánh, thời gian qua, công tác quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện tốt. Tuy nhiên, nhân dân còn băn khoăn, lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh đến tính mạng và tài sản của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tình hình ô nhiễm không khí, khói, bụi, hạn mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt của người dân ở Sóc Trăng. |
Do đó, cử tri đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, thăm dò địa chất để cảnh báo, vận động người dân di dời kịp thời và nghiên cứu thực hiện các dự án phi công trình để phòng, chống sạt lở bảo đảm tính hiệu quả lâu dài; kiến nghị Cục Quản lý tài nguyên nước sớm có chủ trương, giải pháp đầu tư, xây dựng các trạm bơm, cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sinh hoạt và trong sản xuất.
Bộ TN&MT cho biết, về vấn đề thăm dò địa chất, theo các đánh giá khoa học, hiện tượng sạt lở bờ sông được xác định do nhiều nguyên nhân tác động như: sự biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường gây ra các đợt mưa lũ lớn và mưa trái mùa làm mực nước trên sông thay đổi; khai thác cát, sỏi trái phép làm lòng sông hạ thấp dẫn tới thay đổi chế độ dòng chảy; các tàu, thuyền tải trọng lớn di chuyển theo luồng sát bờ sông tạo ra sóng, kết cấu địa chất bờ sông là đất pha cát rời đã làm xói lở bờ sông; ngoài ra còn có thêm tác động của việc điều tiết cát bở rời đã làm xói lở bờ sông; ngoài ra còn có thêm tác động của việc điều tiết dòng chảy trong việc xả lũ và tích nước của hệ thống các công trình thuỷ điện phía thượng nguồn gây ra...
Để làm rõ nguyên nhân cụ thể, đề xuất được các giải pháp hiệu quả phòng ngừa sạt lở bờ sông, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Bộ TN&MT sẽ đề xuất, xây dựng các nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, đánh giá rủi ro và đưa ra giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do xói lở bờ sông khu vực Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cử Long nói chung.
Bộ TN&MT sẽ tăng cường điều tra, tìm kiếm các nguồn nước và chuyển giao tài liệu, số liệu, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Về vấn đề sớm có chủ trương, giải pháp đầu tư, xây dựng các trạm bơm, cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sinh hoạt và trong sản xuất, Bộ TN&MT cho hay, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, Bộ TNMT đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện tìm kiếm nước dưới đất tại các khu vực khan hiếm nước vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Đề án Chính phủ về Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước làm tiền đề cho việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất trong tình huống cấp bách hoặc giải pháp đầu tư công trình khai thác kết hợp nguồn nước mặt, nước dưới đất…
Theo kết quả điều tra, đánh giá vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ ra các vùng có nước ngọt và các vùng mặn, có kết quả chi tiết hơn ở tỷ lệ 1:100.000. Về công trình, đã khoan được 52 cụm công trình đã kết cấu thành giếng khoan khai thác có công suất từ 500-1500m3/ngđ, mỗi cụm có thể đưa ngay vào để bơm nước chống hạn, trong đó đã bàn giao để địa phương triển khai 14 cụm công trình cho hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau để khai thác chống hạn.
Sóc Trăng là tỉnh có gần 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 36% số dân, đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Bộ đang triển khai lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2022. Trong đó, có nội dung về phân bổ tài nguyên nước, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt đồng thời tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.
Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm các nguồn nước và chuyển giao tài liệu, số liệu, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo việc lập, phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng các trạm bơm, cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sinh hoạt và trong sản xuất.