Tìm hướng duy trì sự phát triển rừng ngập mặn

21/10/2014 00:00

(TN&MT) - Không ai có thể phủ nhận giá trị của rừng ngâp mặn trong hoạt động ứng phó BĐKH và duy trì sự đa dạng hệ sinh thái.

   
(TN&MT) - Không ai có thể phủ nhận giá trị của rừng ngâp mặn trong hoạt động ứng phó BĐKH và duy trì sự đa dạng hệ sinh thái. Tuy nhiên, thời gian qua, song song với diện tích rừng  ngập mặn được trồng mới thì những cánh rừng cũ đang mất đi với tốc độ khá cao. Tìm giải pháp hạn chế sự mất đi của những cánh rừng ngập mặn nguyên thủy là nhiệm vụ cần kíp hơn cả việc trồng mới là khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hiện nay.
   
Phá rừng tràn lan
   
  Vụ Phát triển rừng (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thống kê hiện cả nước còn khoảng 166.000ha rừng ngập mặn, giảm 60% so với những năm 1940.
   
  Còn thống kê của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết, từ năm 1980 đến nay diện tích rừng ngập mặn đã bị mất từ 20 – 35%. Tỷ lệ mất rừng cao nhất là ở các nước đang phát triển, nơi rừng ngập mặn thường bị chặt phá để quy hoạch phát triển vùng ven biển, nuôi trồng thủy sản, lấy gỗ hay sản xuất nhiên liệu. Và chỉ trong vòng một thế kỷ qua, diện tích và chất lượng rừng ngập mặn đã giảm nhiều đến nỗi chúng bị cho là đang mất dần những chức năng vốn có của mình.
   
   
   
Rừng ngâp mặn có vai trò quan trọng trong hoạt động ứng phó BĐKH và duy trì sự đa dạng hệ sinh thái
   
  Theo ông Nhữ Văn Kỳ, Vụ Phát triển rừng, một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long chính là tình trạng phá rừng làm đầm nuôi tôm tự phát, nuôi tôm quảng canh, sinh thái. Nguyên nhân khác nữa là chuyển mục đích sử dụng đất hợp pháp sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê bao, khu công nghiệp, cảng biển, khai thác gỗ, củi.
   
  Trên thực tế, điều kiện trồng rừng ven biển rất khó khăn trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho trồng rừng phòng hộ thấp. Vì vậy tỷ lệ cây sống thành rừng chỉ đạt từ 50-60%. Mặt khác, công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các ngành liên quan cũng góp phần vào làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Hơn nữa, khâu quy hoạch rừng ở từng địa phương thiếu ổn định, thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế tại địa phương. Việc giao khoán rừng ngập mặn cho các hộ gia đình bảo vệ còn nhiều hạn chế. Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mekong như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn.
   
Giải pháp để phát triển bền vững.
   
  Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự kiến cả nước phát triển diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, chống cát bay đạt 330.000ha vào năm 2015 và đạt 500.000ha vào năm 2025.
   
  Để đạt mục tiêu đó, theo ông Thông cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ khâu quy hoạch, rà soát lại quy hoạch diện tích rừng ngập mặn, đổi mới và nâng cao hiệu quả của chính sách đầu tư trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn.
  Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết bờ biển thuộc địa bàn tỉnh đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

  Để bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển tỉnh đã đưa ra hai giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể là xây dựng kè bêtông ly tâm ven bờ khu vực biển Tây thuộc huyện U Minh nhằm tạo bãi bồi để tái sinh rừng.
   
  Ông Trịnh Hoàng Việt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, chia sẻ những giải pháp có thể thực hiện trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Đó là tăng cường công tác khuyến lâm ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phổ biến quảng bá các mô hình nông lâm kết hợp đạt hiệu quả như mô hình nuôi ong mật dưới tán rừng, mô hình cây lúa nước và cây tràm kết hợp với gà thả vườn, nghiên cứu và tuyển chọn các giống cây trồng thích nghi trên các dạng lập địa. Khuyến khích mở các vườn ươm cây giống chất lượng, hỗ trợ cung cấp cây giống cho người dân trồng cây phân tán.
   
  Đối với các trường hợp sử dụng diện tích rừng không đúng quy hoạch cần thu hồi và xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, đối với các công trình đê biển thì phải coi rừng ngập mặn là một hạng mục thành phần, từ đó dành một phần kinh phí thỏa đáng để đầu tư, chăm sóc, bảo vệ.
   
  Cần sử dụng Hệ thống thông tin địa lý và công nghệ viễn thám giám sát chất lượng rừng và lưu trữ những số liệu của rừng để theo dõi. Cần thực hiện quan trắc chất lượng nước để nắm những đặc trưng cửa sông, đại diện cho yếu tố môi trường có thể nhạy cảm với sức khỏe của rừng ngập mặn.
   
Minh Vũ
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng duy trì sự phát triển rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO