Tìm giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu: Quyết liệt hơn để chặn nguồn ô nhiễm

Yên Thi| 10/12/2020 10:13

(TN&MT) - Sông Cầu vẫn hàng ngày tiếp nhận hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý từ các hộ gia đình, làng nghề, các cơ sở sản xuất. Ô nhiễm trên dòng sông đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân ở 6 tỉnh dọc lưu vực vẫn hiện hữu. Để trả lại màu xanh cho dòng sông, 6 tỉnh trên lưu vực sông (LVS) Cầu cần phối hợp chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn.

Còn đó nỗi lo “xả thẳng”

Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính đến tháng 7 năm 2018, trên LVS Cầu có khoảng trên 4.000 nguồn thải, trong đó:  3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSX, KD); 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); 238 Cơ sở y tế (Bệnh viện); 140 Làng nghề. Số lượng nguồn thải lớn nhất tập trung trên địa phận Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên LVS có số lượng nguồn thải ít nhất.

Nước thải từ các nguồn thải này hầu hết vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực, đặc biệt là nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Cầu. Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước thải CSSX, KD chiếm khoảng 68,88% toàn vùng, nước thải KCN, CCN khoảng 6,23%, nước thải làng nghề khoảng 24,25% và nước thải y tế 0,64%.

Phản ánh tình trạng “xả thẳng” này tại các địa phương, đại diện các tỉnh cũng cho biết: Tại tỉnh Bắc Kạn, tỉnh có 3 khu đô thị đông dân cư, tuy nhiên chỉ có 1 đô thị (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) được xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, còn lại nước thải sinh hoạt đều được thải trực tiếp ra sông Cầu. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhà máy xử lý rác thải, hiện nay công nghệ chủ yếu là chôn lấp, do vậy nguy cơ cao ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

Chung bất cập, tại Thái Nguyên, phần lớn nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trước khi chảy ra sông, suối; chưa có biện pháp kiểm soát việc đổ thải chất thải rắn xây dựng, chất thải bồn cầu; còn tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Nơi đây còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các bãi thải, hồ chứa bùn thải sau tuyển khoáng, bùn thải từ các hệ thống xử lý nước thải tập trung, xỉ luyện kim, nhiệt điện…

Tại Vĩnh Phúc, ô nhiễm môi trường làng nghề đã và đang trở nên bức xúc. Một số làng nghề phát sinh chất thải nguy hại nhưng việc thu gom, xử lý còn rất hạn chế (điển hình là tại xã Tề Lỗ và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc) và có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhân dân. Ước tính tổng lượng nước thải phát sinh tại các làng nghề hiện khoảng 9.300 m3/ngày/đêm. Trong đó hầu hết là nước thải sinh hoạt và chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Tại Bắc Giang cũng còn 37/39 làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nước thải sinh hoạt, làng nghề vẫn xả trực tiếp ra sông Cầu không qua xử lý

Quá sức chịu tải, không cấp giấy phép xả thải

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu giai đoạn 2006 - 2020 và định hướng quản lý môi trường LVS Cầu giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu chỉ đạo, thời gian tới, các địa phương phải tập trung xử lý nước thải sinh hoạt, không để tiếp tục kéo dài tình trạng xả thải không qua xử lý ra sông.

Thứ trưởng cho hay, năm 2021, Bộ TN&MT sẽ quyết liệt đánh giá sức chịu tải của các LVS. Trên cơ sở chịu tải, việc xả thải và cấp phép xả thải phải được tính toán kỹ lưỡng; hết hạn ngạch sẽ không cấp phép.

“Trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường mới, cũng đồng thời phải gắn kết với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch quan trắc môi trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bàn về định hướng quản lý môi trường LVS Cầu giai đoạn mới, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đề nghị  “xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường” được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường (Luật số: 72/2020/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2020, trong đó ưu tiên LVS Cầu để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu" đã kết thúc năm 2020.

UBND các tỉnh trên LVS Cầu cũng cần xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua.

Khu vực sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, chất lượng nước sông có sự suy giảm so với khu vực thượng nguồn. Điển hình là các khu vực Cầu Vát, Hương Lâm (Bắc Giang), Vạn Phúc, Hòa Long, Hiền Lương (Bắc Ninh), Phúc Lộc Phương (Hà Nội) đều có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng các hợp chất chứa ni tơ khá cao, một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Sông Ngũ Huyện Khê vẫn là một trong những trọng điểm ô nhiễm của LVS Cầu từ nhiều năm nay, đặc biệt là đoạn sông thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, đoạn chảy qua làng giấy Phong Khê (khu vực cầu Đào Xá). Một số khu vực khác trên sông như cầu Lộc Hà (Hà Nội), cầu Song Thái, Văn Môn (Bắc Ninh) mức độ ô nhiễm không nặng như khu vực cầu Đào Xá, nhưng các thông số đặc trưng cho ô 43 nhiễm hữu cơ vẫn vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu: Quyết liệt hơn để chặn nguồn ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO