Tìm giải pháp mới để tránh bị ảnh hưởng do lạm phát

Khương Trung | 25/05/2022 16:02

Sáng 25/5, Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022...

Vòng xoáy lạm phát ảnh hưởng tới người nghèo

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, doanh nghiệp và người dân chưa thoát khỏi khó khăn sau dịch. Áp lực lạm phát khi giá cả nhiều mặt hàng leo thang có thể "bồi thêm" những khó khăn tới người dân, doanh nghiệp sau Covid-19.

Theo Chủ tịch nước, tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước. Trong khi đó, nền kinh tế đang đứng trước áp lực lạm phát lớn khi giá nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là xăng dầu liên tục tăng cao. Với độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, các yếu tố đầu vào tăng sẽ kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

chu-tich-nuoc-jpeg-8635-1653458026.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho biết, đời sống người dân, lao động vô cùng khó khăn trước đợt giá xăng tăng cao, vượt 30.500 đồng một lít. Với tình hình giá xăng dầu hiện nay, Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp kiểm soát. Tránh khi nó tăng quá cao sẽ gây hiệu ứng domino tới giá hàng hoá khác.

Theo ông Ngân, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu,  Quốc hội cần đưa vấn đề giảm thuế tại kỳ họp này. 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng cho rằng, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao... đã tác động trực tiếp đến người dân. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hoá, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân. Chính phủ cần kiểm soát tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, để vừa hạ áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngoài áp lực lạm phát từ bên trong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cảnh báo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Ông dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới về việc giá năng lượng và xăng dầu năm 2022 có thể tăng khoảng 50% so với 2021, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 23%. Ở thị trường tài chính như Mỹ, trong tháng 4 chỉ số tăng giá là 8,5%, còn chỉ số này của EU trong tháng 3 là 7,5%. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã điều chỉnh lãi suất từ 0,25% lên 0,75%. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong suốt tời gian dài. Ông Hùng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết tác động từ các yếu tố bên ngoài tới kinh tế Việt Nam. 

Tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và  để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

p2022-6-.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoản. Chúng ta cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung kế thừa để đưa vào luật....

p2022-3-.jpg
Toàn cảnh phiên họp tổ 12

Đề xuất khen thưởng cho những người phát hiện lãng phí

Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Đối với những lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn nhưng vấn đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, trường hợp thực hiện đúng mục đích, tiêu chuẩn nhưng đạt được kết quả cao hơn mục tiêu cũng được coi là tiết kiệm. Trong báo cáo của Chính phủ đã rà soát và ban hành nhiều định mức, chế độ tiêu chuẩn, các đại biểu cho rằng cần có sự đánh giá đúng mức sự phù hợp về chế độ định mức, tiêu chuẩn đó về tính hợp pháp. Đồng thời cần lấy đó làm thước đo để đánh giá việc thực hành tiết kiệm. Nếu chỉ thực hiện đúng định mức tiêu chuẩn, thì chưa đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí chỉ nêu các chỉ số định mức, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng. Cần bổ sung thêm định mức, tiêu chuẩn, số liệu trong các lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để giúp công tác điều hành, chỉ đạo và các cơ quan thực hiện được tốt hơn, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hiện tại luật mới quy định về việc bảo vệ, biểu dương người phát hiện lãng phí, các đại biểu cho rằng cần có thêm khuyến khích ở mức độ cao hơn, có thể khen thưởng cho những người phát hiện lãng phí, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực sự của công tác này.

Với việc thực hành tiết kiệm trong nhân dân, các đại biểu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm chống lãng phí ngang với công cuộc phòng chống tham nhũng mà nước ta đang quyết tâm thực hiện.

Đối với vấn đề tinh giản biên chế, các đại biểu cũng cho rằng để công tác này đạt được hiệu quả, cần có sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương. Theo đó, không nên áp cứng các chỉ tiêu về số lượng biên chế một cách máy móc, mà mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, các điểm đặc thù của địa phương để thực hiện tinh giản biên chế cho phù hợp, đảm bảo tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Năm 2021, nền kinh tế nước ta chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống dịch, tăng cường tiêm chủng vắc xin, góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp mới để tránh bị ảnh hưởng do lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO