Tìm giải pháp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường

Huy An| 22/10/2019 16:22

(TN&MT) - Ngày 22/10, tại Hà Nội Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Không để nhựa thành rác” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trình đóng góp trong các bản tham luận về chính sách quản lý nhà nước đối với rác thải.

Tìm giải pháp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Nhựa từng được xem là phát minh có tính bước ngoặt của loài người, đã được đưa vào đời sống hàng ngày và vẫn phổ biến đến ngày nay. Tuy nhiên, hành động thiếu ý thức của con người đã biến nhựa từ “anh hùng” thành “tội đồ”. Nhựa bị vứt bỏ ra môi trường gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững.

Đã có nhiều phong trào diễn ra và mang đến hiệu quả tác động nhất định tới nhận thức của người dân. Thế nhưng, chỉ các phong trào thôi chưa đủ, chúng ta còn cần làm nhiều hơn thế này. Đến nay, các giải pháp hạn chế và thay thế nhựa đều chưa khả thi, chưa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Để hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, và sự tiện dụng trong đời sống, chúng ta cần có thêm những giải pháp đi sâu vào thực chất vấn đề.

PGS. TS. Nguyễn Thị Chính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nói về Hội thảo "Không để nhựa thành rác"

Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, hoạt động xử lý chất thải rác sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta hiện nay là đem đi chôn lấp, việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỉ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức.

“Pháp luật về quản lý chất thải được ban hành khá đầy đủ, đặc biệt là CTRSH, nhưng lại quy định giao cho địa phương tùy vào đặc thù của mình để hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom CTRSH. Như vậy, dẫn đến tình trạng có tỉnh thực hiện việc phân loại và thu gom, có tỉnh thì không thực hiện. Đặc biệt là, nếu không thực hiện thì cũng không phát sinh bất cứ trách nhiệm quản lý cũng như pháp lý nào”, ông Thi cho biết.

Riêng đối với rác thải nhựa, ông Thi cũng chia sẻ: “Hiện chưa có quy định về phân loại các loại nhựa, kể cả trong sử dụng làm nguyên liệu cũng như trong phân loại, tái chế rác thải nhựa; chưa xác định nhựa có thể tái chế, tái chế nhiều lần; nhựa dùng một lần; nhựa siêu nhỏ; hạt nhựa; nhựa phân rã …. Hiện cũng chưa có quy định cấm, hạn chế, quy định phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng; chưa có quy chuẩn bảo vệ môi trường đối với chất thải nhựa”.

Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ về hoạt động xử lý chất thải rác sinh hoạt

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày các nghiên cứu và ứng dụng nhằm gia tăng vòng đời cho nhựa, các sáng kiến nhằm thu gom, tái chế, tái sử dụng... Từ đó, kiến nghị các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tái chế vật liệu nhựa; đề xuất các hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tự thu gom sản phẩm nhựa của mình, phục vụ cho việc tái chế, tái sản xuất, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tác hại ra môi trường. Đề xuất các quy trình thu gom, xử lý rác thải nhựa để hạn chế nhựa bị thải ra môi trường, quay vòng tuần hoàn trở lại phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp luật, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hội thảo lần này ghi nhận nhiều ý kiến, thông tin về rác thải nhựa kể cả trên thế giới cũng như Việt Nam. Hiện nay ngoài việc thực hiện chính sách pháp luật trong vấn đề hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa như Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế bảo vệ môi trường các Nghị định hướng dẫn thi hành…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng để trình Chính phủ các kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2020, thành lập một Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa dự kiến là đặt cơ sở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua các Hội thảo quốc tế, Hội nghị các nước ASEAN về môi trường, Việt Nam mong muốn để cả thế giới biết là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong công cuộc chống rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.

Liên quan đến việc phân loại rác ông Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu, xem xét đưa vào trong Luật Bảo vệ môi trường mới đề xuất trình Quốc hội năm 2020. Trong đó có các quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề phân loại rác, phân loại các chất thải… Đây là cơ sở quan trọng góp phần hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là cung cấp nguồn nguyên liệu tái chế cho các công ty, đơn vị chuyên về lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp hạn chế rác thải nhựa ra môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO